Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ ngày 15/11/2024 được quy định tại Nghị định 118/2024/NĐ-CP.
Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng từ 15/11/2024 (Hình từ Internet)
Thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng để giáo dục theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Theo Điều 151 Luật Thi hành án hình sự 2019, học sinh được khám sức khỏe định kỳ; trường hợp học sinh bị ốm đau, bệnh tật, thương tích được điều trị tại cơ sở y tế của trường giáo dưỡng; trường hợp ốm đau, bệnh tật, thương tích nặng vượt quá khả năng điều trị của trường thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định đưa họ đến điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Theo Nghị định 118/2024/NĐ-CP, học sinh khi đến hường giáo dưỡng được y tế của trường giáo dưỡng tổ chức khám, lập phiếu theo dõi sức khỏe. Trong thời gian học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, trường giáo dưỡng căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho học sinh, định kỳ ít nhất 06 tháng/lần, cụ thể: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa, khám cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ. Chi phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được thanh toán theo khung giá quy định của Bộ Y tế. Trường giáo dưỡng thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng chống lây nhiễm, điều trị HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Việc khám sức khỏe cho học sinh căn cứ vào điều kiện, thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, tình hình cụ thể của từng trường giáo dưỡng và lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của học sinh. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho học sinh được cấp tương đương 04 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.
Trường hợp học sinh bị bệnh hoặc thương tích được điều trị tại bệnh xá nhà trường, nếu vượt quá khả năng điều trị thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp tình trạng bệnh tại nơi có trường giáo dưỡng để điều trị và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh biết, phối hợp với nhà trường chăm sóc, điều trị. Trường hợp tiếp tục vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa bàn thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo, đồng thời báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho học sinh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.
Trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa mà học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh; xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh, phòng trực của cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các chi phí khám bệnh được ngân sách nhà nước cấp. Trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của học sinh tự nguyện chi trả kinh phí điều trị bệnh.