Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư lưỡi

29/05/2024 16:56

Ung thư lưỡi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng ăn uống của người bệnh. Vì vậy, cần phải có biện pháp đảm bảo dinh dưỡng giúp người bệnh duy trì sức khỏe và tăng sức đề kháng.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư lưỡi

Khi bị ung thư nói chung và ung thư lưỡi nói riêng, người bệnh cần ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng đối phó với các tác dụng phụ của việc điều trị và hỗ trợ phục hồi.

Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị ung thư. Việc đáp ứng đủ dinh dưỡng khi điều trị ung thư sẽ mang lại lợi ích như: duy trì được sức khỏe để theo đuổi quá trình điều trị, hạn chế được độc tính và tác dụng phụ của thuốc hóa trị, xạ trị, nhanh chóng làm lành vết mổ, phục hồi sức khỏe nhanh sau phẫu thuật, cải thiện tâm trạng người bệnh.

Người bệnh đang điều trị cần bồi dưỡng ăn uống tốt để có sức khỏe tham gia vào các phương pháp điều trị đủ mạnh, đúng liệu trình. Khi ra viện vẫn nên bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, khoa học, hợp lý để duy trì sức khỏe và hệ miễn dịch tốt, góp phần giảm nguy cơ tái phát.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư lưỡi- Ảnh 1.
Ung thư lưỡi khiến người bệnh khó khăn khi ăn uống.

Đối với người bệnh ung thư lưỡi thì việc đảm bảo dinh dưỡng lại càng cần phải chú ý, vì theo các chuyên gia y tế, ung thư lưỡi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là khả năng ăn uống của người bệnh.

Do khối u hoặc tổn thương do ung thư gây ra, việc di chuyển lưỡi và nuốt thức ăn trở nên khó khăn khiến người bệnh không muốn ăn uống dẫn tới sút cân và suy giảm sức khỏe.

Ung thư lưỡi có thể ảnh hưởng đến vị giác, khiến thức ăn có vị khác hoặc mất vị hoàn toàn. Điều này có thể dẫn đến chán ăn. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi, cảm xúc lo lắng do tâm lý hoặc tác dụng phụ của việc điều trị càng khiến người bệnh mất đi sự thèm ăn và không đủ năng lượng.

Do đó, người bệnh cần được quan tâm đặc biệt về dinh dưỡng để cung cấp đầy đủ năng lượng, duy trì sức khỏe và hỗ trợ quá trình hồi phục. Tăng cường chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa để tăng cường sức đề kháng chống lại nhiễm trùng và các bệnh tật khác.

Một số tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư lưỡi như: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, lở miệng… ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng. Chế độ ăn phù hợp có thể giúp giảm nhẹ các tác dụng phụ này và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh ung thư lưỡi

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, một trong các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu phòng chống, điều trị bệnh ung thư cho biết:

Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ung thư là sử dụng đa dạng nhiều loại thực phẩm, chia thành nhiều bữa trong ngày, đảm bảo cân bằng 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Nên ăn nhiều hơn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế đồ hộp, đường và chất béo, tránh ăn quá nhiều do có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa và thừa cân, béo phì.

Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng khác nhau đối với từng người bệnh cụ thể. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá tình trạng và nhu cầu dinh dưỡng trong quá trình điều trị của người bệnh để đưa ra lời khuyên hữu ích về chế độ ăn cũng như quyết định can thiệp dinh dưỡng phù hợp.

Thực hành dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng kìm hãm sự phát triển của ung thư, tăng cường hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chất đạm (protein)

Sau phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác, cơ thể cần có đủ dưỡng chất để phục hồi các mô tổn thương. Chế độ ăn giàu protein giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương ở người bệnh ung thư lưỡi.

Nguồn thực phẩm giàu protein tốt cho người bệnh ung thư lưỡi bao gồm: Thịt nạc, cá, thịt gia cầm bỏ da, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, đậu...

Chất xơ

Chất xơ trong thực phẩm giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn. Chất xơ nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa táo bón.

Thực phẩm giàu chất xơ có nguồn gốc thực vật có khả năng bảo vệ và phục hồi DNA bị tổn thương của cơ thể, rất tốt cho người bệnh ung thư. Nguồn cung cấp chất xơ rất dồi dào trong các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt…

Vitamin và khoáng chất

Đây là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người bệnh ung thư. Ăn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp người bệnh ung thư tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng, hỗ trợ quá trình điều trị.

Nguồn cung cấp giàu vitamin và khoáng chất tốt cho người bệnh ung thư lưỡi bao gồm các loại rau củ quả; sữa, sữa chua …

Cung cấp đủ nước

Nước giúp thanh lọc cơ thể, giải độc và hỗ trợ tiêu hóa. Đối với người bệnh ung thư lưỡi, uống nhiều nước sẽ cung cấp độ ẩm chống khô miệng và giúp thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa dễ dàng hơn. Uống nhiều nước cũng giúp làm dịu cơn đau miệng lưỡi. Người bệnh nên uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày, chia nhỏ uống rải rác trong ngày.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư lưỡi- Ảnh 3.
Người bệnh ung thư lưỡi nên uống nhiều nước và ăn trái cây chín mềm như xoài, chuối...

3. Gợi ý một số món ăn tốt cho người bệnh ung thư lưỡi

Khi chế biến thức ăn cho người bệnh ung thư lưỡi nên ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu như: súp, cháo, món hầm, sinh tố, trái cây chín mềm...

  • Cháo: Cháo trắng, cháo ngũ cốc, cháo thịt, cháo cá...
  • Súp: Súp rau củ, súp gà, súp cá...
  • Sinh tố: Sinh tố trái cây, sinh tố rau củ...
  • Trái cây chín mềm: Chuối, bơ, đu đủ, xoài...
  • Rau xanh luộc mềm: Rau bina, rau cải ngọt, bông cải xanh...
  • Thịt nạc băm nhuyễn: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà...
  • Cá hấp: Cá rô phi, cá lóc, cá basa, cá diêu hồng...
  • Trứng luộc, hấp: Trứng gà, trứng vịt...
  • Sữa chua: Sữa chua ít đường, sữa chua Hy Lạp...

Lưu ý: Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa mỗi ngày để cung cấp đủ lượng calo và dễ tiêu hóa. Nếu người bệnh bị đau nhiều do vết loét lưỡi nên sử dụng máy xay nghiền nhỏ thức ăn. Uống nước ép trái cây hoặc làm sinh tố. Tránh dùng thực phẩm chứa nhiều acid như chanh hay các loại trái cây họ cam quýt hoặc đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu.

Nêm nếm thức ăn nhạt, hạn chế ăn đồ kho, chiên xào nhiều dầu mỡ. Không sử dụng rượu bia và thuốc lá. Cần lưu ý đảm bảo nguồn thực phẩm và cách chế biến an toàn để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống khiến sức khỏe giảm sút nhiều cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn biện pháp can thiệp phù hợp.

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-ung-thu-luoi-172240529065648973.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-ung-thu-luoi-172240529065648973.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư lưỡi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO