Cửa hàng đầu tiên của chuỗi đồ uống Katinat nằm ở số 91 Đồng Khởi – con đường "vàng ngọc" chỉ dài 630 m có giá thuê mặt bằng đắt thứ 13 thế giới. Ngay từ cái tên Katinat cũng chính là lấy từ Catinat – tên cũ của đường Đồng Khởi.
Đường Đồng Khởi có từ thời nhà Nguyễn, dành riêng cho vua đi thẳng từ thành Gia Định ra sông Sài Gòn, sau này người Pháp quy hoạch thành một trong những con đường chính của thành phố và đặt tên là đường số 16, tiếp đó đổi tên thành Catinat. Từ năm 1954 đến 1975, nơi đây trở thành đường Tự Do, rồi được đổi tên là đường Đồng Khởi sau khi thống nhất đất nước.
Chỉ dài chưa đầy 1 km, nhưng từng mét vuông trên đường Đồng Khởi đều là “tấc đất tấc vàng”. Theo số liệu do Cushman & Wakefield công bố hồi tháng 11/2023, giá thuê mặt bằng trên con đường này được xếp hạng cao thứ 13 thế giới, ở mức trung bình hơn 100 triệu đồng/m2/năm.
Con đường “vàng ngọc” này là điểm xuất phát của chuỗi Katinat Coffee & Tea House (tên thương hiệu cũ là Katinat SaiGon Kafe), trực thuộc CTCP Café Katinat, với cửa hàng đầu tiên nằm ở số 91 Đồng Khởi. Được thành lập từ năm 2016, tên của thương hiệu được kết hợp giữa nét xưa cũ với đại diện là đường Catinat, nhưng được cách điệu chữ "K" theo phong cách hiện đại.
Có thể nói ngay từ cái tên của Katinat đã mang đậm “tính mặt bằng”. Người qua đường đều dễ dàng nhìn thấy cửa hàng của thương hiệu cà phê đang nổi đình đám này ở các ngã tư, ngã năm, ngã sáu.
Hồi cuối tháng 3 năm nay, Katinat khai trương cửa hàng tiếp theo trên đường Đồng Khởi, nằm ở ngay ngã tư giao với đường Lý Tự Trọng, chỉ cách cửa hàng đầu tiên 500 m. Từ cửa hàng 158 Đồng Khởi này đi tiếp 200 m là tới Katinat Nguyễn Du, nằm đối diện Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Bưu điện Trung tâm thành phố.
Ở chiều ngược lại, hướng về phía sông Sài Gòn, cách Katinat 91 Đồng Khởi chỉ 300 m là Katinat Bến Bạch Đằng – cửa hàng “gây sốt” trong giới trẻ ngay từ khi mới ra mắt dịp Tết Dương lịch, được đảm bảo là địa điểm “ngắm trọn pháo hoa”. Mới đây nhất vào dịp lễ Quốc Khánh, Katinat đã mở bán vé ngắm pháo hoa tại cửa hàng này với giá 299.000 đồng, bao gồm combo 1 thức uống, 1 bánh và 1 chai nước suối.
“Katinat mở cửa hàng tại tất cả những con đường nổi tiếng nhất Sài Gòn, lượng người đi lại lớn, dễ bắt gặp. Đây được gọi là chiến lược domino”, Founder Site Plus Minh Phan cho biết. Ông là chuyên gia hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc phát triển mặt bằng, từng cố vấn và thực thi cho các chuỗi lớn như Ministop, 30Shine, Mia, Rau Má Mix…
“Với chiến lược này, mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu, gieo vào trong đầu những khách hàng tiềm năng một cái mầm. Ban đầu họ không mua sản phẩm nhưng sẽ tò mò. Sau khi tìm hiểu hoặc nghe ai đó xung quanh đánh giá tốt, họ sẽ dùng thử và trở thành khách hàng của thương hiệu nếu thấy phù hợp.
Mục tiêu thứ hai sau branding là tối ưu vận hành, làm logistics tốt hơn. Các cửa hàng có thể hỗ trợ lẫn nhau, chẳng hạn khi nguồn hàng hết, hoặc giúp giao hàng cho khách tốt hơn. Chiến lược của Katinat khiến ta có cảm giác chuỗi phải có 100 – 200 cửa hàng, nhưng trên thực tế con số này chỉ hơn 70”, ông Minh phân tích.
Xem xét lợi ích thu về từ các mặt bằng, vị chuyên gia nhấn mạnh bất cứ cửa hàng nào mở ra đều có vai trò quan trọng nhất là làm điểm bán, trong khi vị trí đắc địa sẽ giúp tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Thứ hai, mặt bằng có traffic tốt còn thúc đẩy tên tuổi thương hiệu một cách mạnh mẽ.
“Theo góc nhìn của tôi, Katinat cũng nhắm tới hai mục tiêu này khi lựa chọn các mặt bằng đắc địa. Mọi cửa hàng mở ra đều nằm ở những vị trí thu hút ánh nhìn. Ngoài phục vụ tệp khách quen, các cửa hàng của Katinat còn gợi sự tò mò cho những người chưa uống bao giờ, nhưng có thể thử vào một ngày nào đó”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết các cửa hàng của Katinat hiện nay đang được chia làm 3 mô hình:
- Đầu tiên là cửa hàng flagship với diện tích trên 300 m2, mục tiêu là thúc đẩy thương hiệu Katinat. Đối với cửa hàng ở bến Bạch Đằng, vị chuyên gia cho rằng có thể xếp vào kiểu “mô hình đặc biệt”.
- Thứ hai là cửa hàng take-away có diện tích chỉ khoảng 15-30 m2, được sử dụng để mở rộng trên quy mô lớn sau khi thương hiệu đã trở nên vững mạnh.
- Thứ ba là cửa hàng bên trong trung tâm thương mại, diện tích trung bình trên 150 m2, phục vụ nhóm khách tiện ghé uống và các gia đình.
Do đi theo hướng “quán cà phê check-in”, nên dù mô hình lớn hay nhỏ, người qua đường có thể dễ dàng nhận thấy rằng Katinat luôn luôn set-up mặt bằng vô cùng đẹp mắt và có đông đảo khách hàng ngồi tại chỗ, chụp ảnh đăng mạng xã hội.
Cửa hàng đầu tiên ở 91 Đồng Khởi cũng đã được sửa sang diện mạo mới hồi tháng 10/2023. Một điểm đặc biệt nữa là Katinat luôn sắp xếp chỗ ngồi bên ngoài cửa hàng, đậm chất cà phê đường phố Sài Gòn.
Tổng kết về câu chuyện mặt bằng của Katinat, ông Minh cho biết bản chất cà phê hay trà sữa là sản phẩm mang tính tiện lợi, khách sử dụng hàng ngày. Do đó, mặt bằng là yếu tố cực kỳ quan trọng để mọi người tới mua.
“Các chuỗi cà phê đều phải tính toán nơi đặt mặt bằng sao cho gần khách hàng mục tiêu nhất. Ví dụ Highlands Coffee thường nằm ở các khu văn phòng, Phúc Long cũng tương tự - hướng đến khách văn phòng và cư dân.
Còn với Katinat, nơi nào có giới trẻ, nơi đó có Katinat”, ông Minh nhìn nhận.