Theo Nghị quyết vừa ban hành của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú USD và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
6 tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam. Ảnh: T.L. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66/2024 ngày 9/5 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, mục tiêu cũng đặt ra khu vực doanh nghiệp sẽ đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 32-38% tổng việc làm trong nền kinh tế và 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, đến năm 2030, dự kiến khoảng 20-25% số doanh nghiệp sẽ do phụ nữ làm chủ và 30-35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ giới.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm.
Tại Nghị quyết, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 của Tạp chí Forbes công bố hồi tháng 4, Việt Nam tiếp tục có 6 tỷ phú USD góp mặt, không thay đổi so với năm ngoái.
6 tỷ phú này bao gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch MasanNguyễn Đăng Quang.
Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản ròng trị giá 4,4 tỷ USD.
TÀI SẢN 6 TỶ PHÚ USD VIỆT NAM | |||||||
Dữ liệu: Forbes, tính đến đầu tháng 4/2024. | |||||||
Nhãn | Phạm Nhật Vượng | Nguyễn Thị Phương Thảo | Trần Đình Long | Hồ Hùng Anh | Nguyễn Đăng Quang | Trần Bá Dương và gia đình | |
Năm 2023 | tỷ USD | 4.3 | 2.2 | 1.8 | 1.5 | 1.3 | 1.5 |
Năm 2024 | 4.4 | 2.8 | 2.6 | 1.7 | 1.2 | 1.2 |
Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu dài hạn đến năm 2045. Theo đó, Việt Nam phấn đấu có một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời, hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương... cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức...