Chính phủ yêu cầu cho ý kiến đối với 02 nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước 2015 là nội dung được quy định trong Công điện 107/CĐ-TTg năm 2024.
Chính phủ yêu cầu cho ý kiến đối với 02 nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước 2015 (Hình từ Internet)
Ngày 16/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 107/CĐ-TTg cho ý kiến đối với 02 nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và 02 nội dung tại Báo cáo về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Theo nội dung trong Công điện 107/CĐ-TTg năm 2024 thì 02 nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước 2015 bao gồm:
- Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của mình để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên tại địa bàn, hỗ trợ địa phương khác
Về vấn đề nêu trên, Trung ương đã có Kết luận 97, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rõ tại Kết luận 93. Thời gian vừa qua, thực tế nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nội dung này để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường cao tốc, cầu nối các địa phương, sân bay, bến cảng, các công trình hạ tầng trọng điểm, thiết yếu khác.Hơn nữa, Quốc hội đã luật hóa nội dung này trong Luật Thủ đô, ban hành các Nghị quyết thí điểm cho phép các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa và một số địa phương khác...
Thực tiễn chứng minh các cơ chế trên đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường Vành đai 4 của Hà Nội và Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế, nhiều dự án đã thực hiện có hiệu quả rất tích cực cho vùng và cả nước.
Tại cuộc họp giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội ngày 15/10/2024, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với quy định nêu trên tại dự án Luật sửa đổi để thúc đẩy hoàn thiện các dự án hạ tầng quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua theo tinh thần “tăng tốc, bứt phá” về 3 đột phá chiến lược và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
- Bố trí và sử dụng vốn cho một số công trình, dự án chưa bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn
Theo pháp luật đầu tư công hiện hành, các dự án chỉ có thể triển khai khi đã xác định được nguồn vốn và nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do vậy, không thể bố trí nguồn dự phòng ngân sách hoặc tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện ngay các công trình, dự án mới khi chưa được bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhiều thời gian trong khi các công trình, dự án cấp bách đòi hỏi phải triển khai ngay (như Cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ).
Vì vậy, Chính phủ đề xuất quy định tại dự thảo Luật việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn bằng nguồn dự phòng, tăng thu, tiết kiệm chi NSNN hằng năm. Các dự án này được phân bổ vốn theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Từ các nội dung nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị:
(1) Các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ/Thành uỷ đôn đốc, chỉ đạo các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ý kiến đối với các nội dung nêu trên, thể hiện rõ quan điểm đồng ý với các nội dung xin ý kiến; trong trường hợp không đồng ý hoặc có ý kiến khác cần ghi rõ ý kiến vào Phiếu ghi ý kiến kèm theo, gửi về Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính trước ngày 18/10/2024.
(2) Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các địa phương để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung và Báo cáo trình Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025 - 2027, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 18/10/2024.
(3) Giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo hoàn thành hồ sơ dự án Luật trước ngày 19/10/2024. Giao các Thành viên Chính phủ, Trưởng ngành theo Tổ công tác phụ trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Công điện này chậm nhất là ngày 17/10/2024. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các địa phương việc thực hiện Công điện 107/CĐ-TTg theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xem thêm Công điện 107/CĐ-TTg ban hành ngày 16/10/2024.