Bài viết sau có nội dung về chính sách hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục được quy định trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
Chính sách hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2020/NĐ-CP thì chính sách hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục như sau:
- Đối tượng hưởng chính sách: Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhóm, tổ trưởng chuyên môn) đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định.
- Nội dung chính sách
Giáo viên mầm non theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 105/2020/NĐ-CP được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
Hằng năm, căn cứ kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng của phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục lập danh sách giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng gửi phòng giáo dục và đào tạo. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định.
Nguồn kinh phí và quản lý kinh phí thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non được quy định cụ thể tại Điều 12 Nghị định 105/2020/NĐ-CP như sau:
- Kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP bao gồm:
+ Ngân sách nhà nước bao gồm: ngân sách địa phương; ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Đầu tư công 2019 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
++ Ngân sách địa phương thực hiện các chính sách quy định tại các điều 5, 8, 10 và 11 Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
++ Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách quy định tại các điều 4, 7 và 9 Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
+ Nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Kế toán 2015, Luật Đầu tư công 2019 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
- Thu ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, các luật về thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách nhà nước.
- Chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 Luật Ngân sách nhà nước 2015; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp sau đây:
+ Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng;
+ Đối với chi thường xuyên phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí thì thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ;
+ Đối với chi dự trữ quốc gia phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
+ Đối với những gói thầu thuộc các nhiệm vụ, chương trình, dự án cần phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
+ Đối với những khoản chi cho công việc thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch phải theo quy định về giá hoặc phí và lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. (Theo Điều 12 Luật Ngân sách nhà nước 2015)