Sau đây là các chính sách với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định mới.
Chính sách với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ từ ngày 26/11/2024 (Hình từ Internet)
Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Theo Điều 40 Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ như sau:
- Người làm việc thường xuyên tại hội gồm: chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách; người làm việc tại đơn vị tham mưu, giúp việc trong biên chế được giao; người làm việc theo hợp đồng.
- Chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với người làm việc thường xuyên tại hội:
+ Người trong độ tuổi lao động được cấp có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
+ Người làm việc tại hội là người đã nghỉ hưu và người làm việc tại hội trong độ tuổi lao động không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 40 Nghị định 126/2024/NĐ-CP thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
- Chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thù lao, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách khác:
+ Người trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức và thực hiện chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật;
+ Người làm việc tại hội không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định 126/2024/NĐ-CP và khoản 4 Điều 40 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, được hưởng tiền công và chế độ, chính sách khác do hội quyết định phù hợp với yêu cầu công việc và nguồn tài chính hợp pháp của hội, bảo đảm tương quan hợp lý trong nội bộ hội và theo quy định của pháp luật về lao động.
- Đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách hội được hưởng chế độ thù lao theo quy định của pháp luật.
- Kinh phí chi trả thù lao cho các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định 126/2024/NĐ-CP được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho hội.
Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo Điều 38 Nghị định 126/2024/NĐ-CP như sau:
- Quyền của hội:
+ Được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
+ Được tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của hội;
+ Được giao thực hiện một số hoạt động chuyên môn, dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định;
+ Tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, đề tài, dự án theo đề nghị của cơ quan nhà nước. Chủ trì hoặc tham gia đề tài, đề án liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội;
+ Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao;
+ Được tổ chức một số hoạt động kinh tế; tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao; quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và một số cơ chế hợp tác theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ, trách nhiệm của hội:
+ Phổ biến, tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, quyết định liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, tăng cường đồng thuận xã hội;
+ Tổ chức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của hội; chỉ đạo, quản lý chặt chẽ hoạt động của các pháp nhân trực thuộc hội; quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản được giao, các loại quỹ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội; chấp hành hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng;
+ Phát triển, tập hợp, đoàn kết hội viên trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đại diện, bảo vệ, phản ánh, kiến nghị, phối hợp giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, các tầng lớp Nhân dân;
+ Định kỳ 06 tháng, 01 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các cấp có thẩm quyền theo quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp (nếu hội là tổ chức thành viên), cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính hội hoạt động;
+ Xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo quy định về chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm và đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường; mời đại diện cấp có thẩm quyền theo quy định dự họp đảng đoàn (đối với hội có đảng đoàn), dự họp ban thường vụ (đối với hội không có đảng đoàn);
+ Việc đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉ có thời hạn và giải thể hội theo như quy định tại Chương V Nghị định 126/2024/NĐ-CP phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền;
+ Việc thay đổi trụ sở, mở văn phòng đại diện, thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội phải bảo đảm đúng quy định pháp luật và thông báo bằng văn bản đến cấp có thẩm quyền theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động tương ứng với phạm vi hoạt động của hội;
+ Xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm, trong đó phải xác định rõ chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ phần ngân sách nhà nước hỗ trợ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền được phân công theo dõi, chỉ đạo hội trước ngày 30 tháng 6.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024, thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 33/2012/NĐ-CP.