Dám mơ lớn và dũng cảm theo đuổi, nhưng nhà sáng lập Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình thừa nhận để chạm đến một thành công, ông phải đối mặt với vài thất bại.
“ Tôi không nghĩ mình là người thành công. Nếu nói chính xác hơn, cứ đằng sau một thành công của tôi là ít nhất 2 thất bại, nếu không thì là 3 thất bại. Suốt mấy năm qua, tôi thất bại khá nhiều. Gần nhất, thất bại làm tôi mất tinh thần nhất là đóng cửa công ty tại Mỹ chỉ sau 6 tháng thành lập, dù việc mang sách ra nước ngoài tôi đã kỳ vọng rất nhiều ”, nhà sáng lập Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Báo điện tử VTC News.
- Ông được nhắc nhiều cùng sự thành công, từ chương trình Chìa khoá thành công tới sự phát triển đa dạng của Alpha Books và các khoá học cho CEO. Vậy doanh nhân thành công với ông được định nghĩa thế nào?
Đầu tiên, tôi phải nói lại, tôi tự thấy mình không phải là người thành công. Nói chính xác hơn, cứ đằng sau một thành công của tôi là ít nhất 2 thất bại, nếu không thì là 3 thất bại. Điển hình là đằng sau Trạm đọc ra mắt tháng 9/2024 là thất bại của 3 Trạm đọc trước đó.
4 năm trước, tôi cũng trải qua một thất bại rất đau là phải đóng cửa công ty tại Mỹ chỉ sau 6 tháng thành lập, và nhiều dự định không thành khác. Nên tôi không dám nói mình thành công.
Nhưng nếu để định nghĩa thành công, tạm gọi theo góc nhìn riêng, thì đó là người mạnh mẽ theo đuổi giấc mơ, biến giấc mơ thành hiện thực, bất chấp những thất bại gặp phải trên đường. Nó không thể đo lường bằng số tiền mất hay kiếm được.
Với doanh nhân thành công, tôi thấy 2 tiêu chuẩn: Một là phải có mơ ước, sứ mệnh. Đôi khi ước mơ của họ hơi lý tưởng. Nhưng ước mơ và thực hiện ước mơ mới là động lực xuyên suốt của doanh nhân, chứ không phải kiếm tiền.
Nhưng mơ ước mà không thực tiễn thì cũng khó thành công. Nên tôi muốn nhấn mạnh, doanh nhân phải thực tế, lo cơm áo, gạo tiền, lo cuộc sống cho người lao động, và phần nào đó nếu không có tiền, chúng ta không thể biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực.
Một doanh nhân phải cân bằng được 2 yếu tố đó, nếu chỉ thuần túy theo đuổi giấc mơ, không hành động đúng, thì sẽ không bao giờ biến nó thành hiện thực.
Ngược lại, chỉ chăm chăm thu tiền, tính lợi nhuận mà không có mơ ước cho tương lai thì dù có thể là nhà quản lý giỏi, doanh nhân giỏi cũng không gọi là thành công thực sự được.
Và tôi mong đất nước ta ngày càng xuất hiện nhiều những doanh nhân vừa có ước mơ vừa có năng lực biến ước mơ thành thực tiễn.
- Định nghĩa thành công như vậy rất lý tưởng. Nhưng với giới trẻ bây giờ, thành công đôi khi chỉ đơn giản là có việc làm thu nhập tốt, nhà, xe và sống bình yên?
Thực ra cũng cần hiểu giấc mơ hay thành công chỉ là khái niệm tương đối, phát triển theo thời gian, hiểu biết của con người.
Tôi vẫn luôn nói với học trò là phải cân bằng trong cuộc sống. Con người không bao giờ rời bỏ nhu cầu, điều kiện vật chất. Con người cần ăn, mặc, ở, đi lại, và trên nền tảng đó, mới có ước mơ, hoài bão, biến ước mơ thành hiện thực.
Như bản thân tôi, bây giờ 52 tuổi, nhiều lúc tôi nhìn lại mình ở tuổi 20-25, cũng gặp những áp lực, suy nghĩ kiểu tranh đấu vì cuộc sống, tìm mọi cách kiếm tiền, hơn thua; hay né tránh, thả trôi và chỉ muốn đủ theo nhu cầu tối thiểu nhất. Nhưng khi hiểu biết hơn, kiến thức vững chắc hơn, tôi tin rằng chỉ cần chăm chỉ, nỗ lực, cố gắng đúng nghĩa thì chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp, phần nào đó hài lòng hơn.
Thay đổi tư duy, sẽ thay đổi số phận. Tôi thấy rằng, người trẻ dù thế nào cũng cần phải cố gắng, không dễ dãi với bản thân nhưng không có nghĩa phải kiếm nhiều tiền bằng mọi giá. Với nhu cầu hiện nay, thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng là có thể đảm bảo nhu cầu sống vừa phải, thoải mái.
- Nếu thu nhập thấp hơn mức ông đặt ra có nghĩa là thất bại?
Nếu nghĩ trong ngắn hạn, mọi người xung quanh nói "Cảnh Bình khờ dại", nhưng hôm nay, ai cũng sẽ tin rằng "Cảnh Bình không khờ dại". Tôi cũng tin mình không khờ dại. Mình có niềm tin vững chắc hơn và tin vào con đường của mình hơn.
- Ông có thấy mình “đi ngược chiều” không, từ 28 tuổi đã nghĩ và làm ngược với số đông?
Mọi người nhìn bên ngoài thì bảo tôi ngược chiều, nhưng tôi luôn thấy mình mới là người đi xuôi chiều. Tôi đi theo những thứ thật sự giá trị chứ không đi theo hình thức bề ngoài.
Tôi không lười. Tôi chỉ học những thứ mà tôi thấy mình cần: học ý chí, nghị lực, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, quản trị dự án... Tôi ra chợ, vừa làm, vừa mày mò học về bán dẫn, vô tuyến điện tử… thấy nó giá trị hơn. Mọi người cứ nói tôi đi ngược chiều, nhưng đó là ngược chiều với số đông, ngược chiều ở mức độ nào đó, nhưng tôi thấy mình đi đúng chiều, đúng xu hướng.
- Làm sao biết mình đi ngược nhưng không sai?
Bạn cần tri thức thật tốt, nền tảng và hiểu biết. Bạn không thể đi được nếu không có tri thức, hiểu biết, trải nghiệm về những việc mình làm.
Tôi vẫn thấy may mắn, đầu tiên là trưởng thành, già dặn hơn so với bạn bè cùng lứa nhờ việc đọc nhiều và nhờ đó, hiểu biết tương đối tốt. Thời ấy, nếu bạn bè xung quanh tôi chỉ học sách giáo khoa, giáo trình ở trường đại học, cao đẳng thì tôi đã đọc nhiều sách ở các thể loại. Tôi nhìn thấy những người thành công trên thế giới, ở nhiều lĩnh vực, nhiều câu chuyện mà không phải lúc nào cũng chăm chăm chạy theo bằng cấp, thành tích, giá trị ảo.
Thứ hai, các bạn cũng nên tìm những người thành công, những người đi trước để học, để xin những lời khuyên, hướng đi, bởi chúng ta không thể biết hết mọi thứ trong cuộc sống. Bây giờ, các bạn có thể dễ dàng trò chuyện, hỏi ý kiến, nhận được lời khuyên giá trị từ những người như vậy.
Điều quan trọng nữa là phải dũng cảm theo đuổi ước mơ. Thách thức lớn với người trẻ không chỉ là câu chuyện đúng hay không đúng, mà là có theo đuổi đúng vấn đề hay không.
- Ông có bao giờ thất bại?
Tôi thất bại nhiều chứ. Đằng sau một thành công của tôi có lẽ phải 2-3 thất bại. Mà thật ra việc này không phải mình tôi gặp đâu. Tôi tin, nhiều doanh nhân khác cũng vậy. Không làm mới không thất bại.
Thất bại khiến tôi mất mát nhiều nhất là việc mở văn phòng Alpha Books tại Mỹ. Alpha America là giấc mơ đưa sách Việt ra thế giới của tôi. Khi mở văn phòng tại Mỹ năm 2020, tôi cứ tin chắc là với xu hướng hội nhập hiện nay, người Việt mình phải vươn ra thế giới.
Nhưng rồi chỉ 6 tháng sau, tôi đành phải đóng cửa Alpha America. Tôi nghĩ đây là thất bại lớn, để lại hệ quả nặng nề nhất. Bởi nó tác động xấu, ở nhiều góc độ. Thứ nhất là mất khoản tiền lớn, khoảng 1 triệu USD. Có thể với nhiều người mất 1 triệu USD trong kinh doanh không lớn, nhưng với tôi thì số tiền này lớn vô cùng.
Nhưng cái quan trọng hơn là mất tinh thần. Phải thừa nhận, thất bại này khiến tôi mất tinh thần, dù thực tế tôi trải qua nhiều biến cố, gặp nhiều thứ không suôn sẻ trong công việc, kinh doanh, nhưng thực sự tôi đã “tụt mood” mấy tháng trời. Bởi đâu chỉ mất tiền mà thất bại còn làm mất thời gian, công sức của nhiều người.
- Vì sao ông thất bại khi mở chi nhánh tại Mỹ dù đã đầu tư nhiều tiền của, công sức?
Sau thời gian dài “tụt mood”, tôi cũng phải vực dậy tinh thần để tiếp tục công việc. Tôi nghiệm ra nhiều lý do, trong đó phải thừa nhận là vội vàng quá. Tôi nghĩ rằng ý tưởng đưa xuất bản của Việt Nam ra thế giới chắc không sai, nhưng ảo tưởng, lạc quan quá.
Khi nghĩ mình sẽ bán được 100 cuốn sách thì tôi chở ra nước ngoài 10.000 cuốn sách. Chỉ chi phí vận chuyển đã khó khăn rồi. Mình không tính toán kỹ cho câu chuyện đầu tư, phân phối, mà lẽ ra phải làm kỹ lưỡng hơn.
Thứ nữa, lẽ ra cần tính toán kỹ hơn về hệ thống, nhân sự, tài chính.
Và nguyên nhân thứ 3, không thể không nói tới là COVID-19. Tôi mở chi nhánh này ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Nó khiến cho mọi thứ vốn đã trục trặc rồi làm thất bại nhanh hơn. Bởi lẽ ra, khi thấy vấn đề, tôi cần sang Mỹ xử lý, nhưng đại dịch khiến chúng tôi không thể đi giải quyết những khó khăn đang diễn ra được.
Từ thất bại ấy, tôi rút ra mình mất 3 thứ, đó là tiền, thời gian và tinh thần. Tôi bị stress, áp lực kinh khủng, phải cần nhiều tháng mới tự vực dậy tinh thần dù luôn lạc quan.
Thất bại này làm cho tiến trình bước ra thế giới của tôi bị chậm lại tính đến nay đã 4 năm.
Kỳ vọng quá lớn khiến tôi thất vọng nặng nề. Nếu kỳ vọng, đầu tư ít đi thì khi thất bại mình đã không xuống tinh thần như vậy.
- Ông sẽ đeo đuổi giấc mơ đưa xuất bản của Việt Nam ra thế giới?
Tôi không thay đổi mong muốn đưa tri thức của người Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng biện pháp, bước đi sẽ phù hợp hơn. Tôi sẽ chấp nhận phương án không có sách giấy nữa. Và cũng có thể không cần thiết phải lập văn phòng tại nước ngoài, không cần đưa hàng container sách đi nữa. Tôi có thể hợp tác, đầu tư vào một nơi có sẵn hạ tầng…
- Từ những thất bại và thành công, lời khuyên tài chính ông rút ra và sẽ gửi đến những người muốn khởi nghiệp là gì?
Đến giờ, tôi vẫn khẳng định điểm mạnh của mình là sáng tạo, chiến lược, lãnh đạo, công nghệ, nhưng điểm yếu là các vấn đề về tài chính, là kiến thức tài chính chưa thật vững, nhất là tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp.
Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến việc mở văn phòng tại Mỹ thất bại là do thiếu kiến thức về tài chính. Điểm lại những thất bại, tôi thấy sự hiểu biết của mình về tài chính đã không đủ tốt.
Lẽ ra doanh nhân phải hiểu biết nhiều hơn, sâu sắc hơn về tài chính, phải được trau dồi ngay khi bắt tay khởi nghiệp chứ không phải ở lúc đã có thành tựu rồi. Thật sự, tôi muốn các bạn trẻ, có thể từ lúc học cấp 3 hoặc sớm hơn, phải biết về tài chính, có kiến thức nhất định, đặc biệt là tài chính cá nhân.
Đó cũng là lý do mà nhiều nhà xuất bản, trong đó có Alpha Books, xuất bản những cuốn sách về tài chính cho trẻ em.
Ở Việt Nam, tôi thấy nhìn chung kiến thức về tài chính còn ít ỏi. Ngay cả những doanh nhân thành đạt đôi khi còn e ngại khi nói về những câu chuyện tài chính.
Tôi cho rằng chúng ta phải rõ ràng, mạch lạc hơn nữa, bằng việc dạy tài chính ngay cả cho trẻ. Kiến thức, hiểu biết và ứng dụng với tài chính rất quan trọng.
- Slogan của Alpha Books rất ấn tượng: Chúng tôi không bán sách, chúng tôi bán kiến thức quản trị vượt trội của các tập đoàn hàng đầu. Bán kiến thức cho doanh nhân có khó không?
Doanh nhân là người có nhiều tiền nhất, có động lực lớn nhất để đầu tư tri thức. Doanh nhân là những người khó thuyết phục nhất, nhưng ngược lại, có khả năng, động lực nhất để bỏ tiền đầu tư với những gì họ tin là hữu ích.
Bán cho người có tiền là dễ nhất, nhưng cái khó là những gì không sát thực tế, không hữu ích thì họ không mua đâu. Làm sách, không thể đưa cho độc giả những cuốn sách với lời khuyên mà bản thân mình không thấy giá trị. Cho nên tôi nói bán sách cho doanh nhân khó, nhưng lại rất dễ là vì thế.
- Ông học được gì trong những cuốn sách dạy kinh doanh, làm giàu, khởi nghiệp do Alpha Books phát hành?
Khi bắt đầu khởi nghiệp cách đây 20 năm, tôi nghĩ nhiều. Cũng là xuất bản nhưng Nhã Nam chọn chiến lược sách văn học, Thái Hà chọn dòng sách Phật giáo, First News chọn dòng sách chủ lực là hạt giống tâm hồn… mỗi doanh nghiệp có chiến lược và đi đúng nên thành công.
Đất nước muốn mở cửa, phát triển thì nền kinh tế phải phát triển. Nền kinh tế muốn phát triển thì cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Muốn doanh nghiệp phát triển thì doanh nghiệp tư nhân phát triển. Để được như vậy, cộng đồng doanh nhân phải có tri thức, hiểu biết. Mình đưa những kiến thức về kinh tế đóng góp cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Thời gian đầu kinh doanh, làm sách, tôi nghèo, không có nhiều tiền để trả cho dịch giả, biên tập… nên tự phải làm hết suốt 2-3 năm. Vất vả lắm, nhưng đó cũng là may mắn của tôi. Tôi chọn bản thảo, chọn sách đọc trước từ bản tiếng Anh để thẩm định. Khi quyết định làm rồi thì dù có dịch giả nhưng mình cũng hiệu đính, thậm chí biên tập, làm nhiều khâu trước khi sách được phát hành.
Khó khăn là bản thân phải làm hết, từ chọn lựa, thẩm định, đánh giá, công bố, phê duyệt. Nhưng ngược lại, đó là may mắn vì lĩnh hội những bài học hay từ sách. Chính những cuốn sách đó dạy tôi, cho tôi nhiều bài học ứng dụng thực tiễn vào doanh nghiệp.
Ví dụ như cuốn Marketing du kích , tôi áp dụng ngay những bài học nhân sự, chiêu marketing từ cuốn sách vào công ty của mình, để xem người ta có dạy đúng không. Nếu thấy đúng thì mình công bố phát hành, làm bài học hữu ích cho doanh nghiệp khác.
Bây giờ, tôi có đội ngũ làm thay, nhưng tôi vẫn thấy may mắn vì được lĩnh hội những bài học hay từ sách. Ví dụ, dự án ngôi nhà khoa học cho trẻ (Einstein House) xuất phát từ cuốn sách Chiến lược đại dương xanh.
Tôi luôn tin rằng tri thức là sức mạnh. Nhưng tri thức đó phải có giá trị, chiều sâu, được nghiên cứu thấu đáo. Tri thức là một phần, hành động mới quyết định. Nếu hiểu đúng và dám hành động, chúng ta sẽ đi đúng đường, còn hiểu biết mà không dám hành động thì sẽ thiệt thòi.
- Ông đã thay đổi đối tượng độc giả khi Alpha Books đầu tư cho dự án sách kỹ năng, khoa học, công nghệ cho trẻ em?
Thực ra chúng tôi đã xuất bản sách cho thiếu nhi nhiều năm nay. Đó là những bộ bách khoa thư của DK, sách khoa học vạn vật, những cuốn sách về bầu trời, về trái đất…
Bây giờ được đi nhiều nơi, tôi thấy trẻ con rất cần được học hỏi tri thức khoa học không chỉ bằng sách. Trẻ con thời nay cần được tiếp xúc với khoa học công nghệ bằng các hình thức khác trực quan, sinh động chứ không chỉ có đọc sách như thời của chúng ta.
Tôi ước ao dựng nên ngôi nhà khoa học. Ở trường phổ thông, trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện còn khá sơ sài, không đủ cho trẻ khám phá. Hơn nữa, không phải lúc nào học sinh cũng tự do vào phòng thí nghiệm mà chỉ được tham gia vào những giờ học ở trường.
Do vậy, tôi quyết định đầu tư không gian khoa học cho trẻ. Ở đó, ngoài các sách khoa học thì có nhiều không gian cho trẻ khám phá như khu thực tế ảo, phòng robot, rồi khu vực làm thí nghiệm,… cho trẻ thỏa sức khám phá, sáng tạo.
Tôi muốn mở rộng không gian này thành công viên khoa học (Einstein Park), và xa hơn nữa là mỗi tỉnh thành sẽ có không gian khoa học như thế, cho trẻ thỏa thích học tập, sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê.
- Xin cảm ơn ông!