Chủ tịch Viettel đề xuất Chính phủ có chiến lược hoặc nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel tại hội nghị sáng 4/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Chia sẻ tại cuộc gặp của Thương trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra sáng 4/10, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có một loạt đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng, Chính phủ về các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài.
Cụ thể, ông Thắng cho biết kể khi khai trương mạng di động năm 2004, Vietel đã đầu tư ra nước ngoài tại 2 nước là Lào và Campuchia chỉ 2 năm sau, qua đó củng cố kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh.
Theo Chủ tịch Viettel, việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị tập đoàn trên thương trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan toả hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế.
Tuy vậy, ông Thắng thừa nhận kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt khi những vùng Viettel tìm đến đều là khu vực khó khăn của châu Phi, Nam Mỹ hay ở Đông Nam Á. Những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ cũng là thử thách lớn cho tập đoàn.
Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết tập đoàn rất cần "điểm tựa" khi kinh doanh tại nước ngoài, nhất là tại những quốc gia không có sứ quán, bảo hộ đầu tư của Việt Nam.
Do đó, ông đề xuất Chính phủ có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp Việt Nam tự tin đi ra nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.
“Cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel đề nghị.
Cũng tại cuộc gặp, các hiệp hội doanh nghiệp đều thể hiện niềm tin rằng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ, trong đó mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6-6,5%, sẽ hoàn thành.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những mục tiêu xa hơn vào năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao.
Để góp phần hoàn thành các mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt là 2 siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương.
Trước thách thức về nguồn vốn để thực hiện các dự án, ông Thân kiến nghị xem xét có một đề án cụ thể về “thu hút nguồn vốn trong nhân dân” để phục vụ 2 dự án nêu trên. Trong đó, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.
Doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).
Theo ông Thân, giải pháp này một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan Nhà nước trong tất cả khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Ông Nguyễn Văn Thân cũng cho biết thế giới đang nghiên cứu, triển khai mạnh mẽ một thị trường vốn rất lớn nhưng Việt Nam lại đi sau, là thị trường tiền số.
Dù Việt Nam chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ.
Cả nước hiện có 3% doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa ngành nghề, các doanh nghiệp lớn này đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Do đó, ông đề xuất Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để doanh nghiệp tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các hộ kinh doanh, ông Thân đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ cụ thể; sớm ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh; đưa ra các tiêu chí để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; có thêm các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất...
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài. Trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.