PLBĐ - Nam giới có nguy cơ bị nhiễm HPV ở miệng cao gấp ba lần phụ nữ và có nguy cơ mang virus HPV gây ung thư cao gấp năm lần.
Virus HPV là gì?
Theo BS. Bùi Thị Phương, virus HPV là virus gây u nhú ở người và là nguyên nhân gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Virus HPV tiến triển rất âm thầm trong thời gian rất dài, có người mắc virus này nhưng không phát hiện được vì không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng cụ thể nào.
Có 13 chủng HPV nguy cơ cao có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nguy hiểm như mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, vùng miệng họng, ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư.
Nhiễm trùng HPV phổ biến đến mức gần như tất cả nam giới và phụ nữ sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV lây lan qua tiếp xúc da kề da, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người có virus.
Không có cách nào để biết một người bị nhiễm HPV sẽ phát triển thành ung thư hoặc các tình trạng khác. Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe nếu họ nhiễm virus.
Nguy cơ ung thư do HPV gây ra ở nam giới
Theo TS. BS Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi vaccine ngừa virus gây u nhú ở người (HPV) xuất hiện vào năm 2006, giới y tế công cộng đã nhắm mục tiêu vào các bé gái vị thành niên để tiêm vaccine và coi nó như một công cụ mạnh mẽ để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.
Cho đến nay, nhiều bác sĩ và nhiều người vẫn xem virus lây truyền qua đường tình dục chủ yếu là mối đe dọa đối với phụ nữ. Nhưng khi các trường hợp ung thư vùng đầu và cổ do virus HPV gây ra tăng cao ở nam giới, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng nam giới cũng cần phải suy nghĩ về HPV.
Maura Gillison, MD, Tiến sĩ, một nhà nghiên cứu ung thư của Đại học Bang Ohio (Mỹ) người đầu tiên nhận ra mối liên hệ giữa HPV và miệng, cho biết: "Sẽ có nhiều ca ung thư do HPV gây ra ở nam giới hơn ở phụ nữ".
Các bác sĩ từ lâu đã coi bệnh ung thư vùng đầu và cổ của những người lớn tuổi là do hút thuốc. Nhưng trong những năm gần đây, họ đã nhận thấy sự gia tăng đáng báo động của những bệnh ung thư này ở những người đàn ông dưới 50 tuổi không hút thuốc.
Các xét nghiệm cho thấy một loại ung thư riêng biệt - như ung thư cổ tử cung - được khởi phát bởi một dạng HPV nhất định. Từ năm 1984 đến năm 2004, ung thư họng, amiđan và lưỡi do virus HPV tăng vọt 225%, với 80% trường hợp ở nam giới. Năm 2020, có khoảng 8.700 người được chẩn đoán mắc bệnh.
Đối với hầu hết những người bị nhiễm (84% phụ nữ có quan hệ tình dục và 91% nam giới hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm vào một thời điểm nào đó), HPV sẽ biến mất trong vòng một năm mà không có triệu chứng.
Nam giới có nguy cơ bị nhiễm HPV ở miệng cao gấp ba lần phụ nữ và có nguy cơ mang virus HPV gây ung thư cao gấp năm lần. Điều đó một phần là do họ có xu hướng có nhiều bạn tình hơn phụ nữ, và quan hệ tình dục bằng miệng làm lây truyền virus HPV qua đường miệng. Nhưng cơ thể đàn ông cũng tỏ ra yếu kém trong việc phát triển khả năng miễn dịch đối với virus.
Điều trị nhiễm HPV ở nam giới
BS. Bùi Thị Phương cho biết, không có phương pháp điều trị nhiễm HPV ở nam giới khi không có triệu chứng. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ điều trị các vấn đề sức khỏe do virus HPV gây ra.
Khi mụn cóc sinh dục xuất hiện, có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Trong một số trường hợp, bác sĩ không khuyến khích điều trị sớm mụn cóc vì mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi. Tuy nhiên, các mụn cóc thường cần một khoảng thời gian nhất định để lộ rõ trên bề mặt cơ quan sinh dục. Tại thời điểm này, đòi hỏi phải kết hợp giữa việc bôi thuốc và một phương pháp điều trị nào đó.
Đối với người mắc sùi mào gà, có thể sử dụng thủ thuật loại bỏ các tổn thương do HPV gây ra, kết hợp với dùng thuốc. Nhưng không phải tất cả các tổn thương do HPV gây ra đều xuất hiện vào cùng một thời điểm. Vì vậy, dù đã được điều trị ngay khi phát hiện những tổn thương đầu tiên thì nguy cơ tái nhiễm vẫn có thể xảy ra. Người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.
Trong trường hợp virus HPV có khả năng hình thành tế bào ung thư thì tùy thuộc vào kích thước khối u, mức độ lây lan sang vùng lân cận, tình trạng sức khỏe, có thể lựa chọn một số phương pháp như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật...
Nam giới cần làm gì để phòng HPV?
Cũng theo BS. Bùi Thị Phương, virus HPV lây lan qua đường tình dục, do đó nếu quan hệ với bạn tình bị nhiễm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh thường rất cao. Để phòng bệnh, cần quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, quan hệ chung thủy một vợ một chồng…
Sử dụng bao cao su có thể giúp hạn chế sự tấn công, xâm nhập virus HPV từ bạn tình đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn ẩn chứa nguy cơ lây lan tại các khu vực bề mặt da không được bảo vệ bởi bao cao su.
Tiêm vaccine sớm khi chưa tiếp xúc với virus HPV là phương pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Độ tuổi thích hợp để tiêm phòng là từ 9-26 tuổi. Việc tiêm vaccine phòng HPV trước khi có hoạt động tình dục có thể giảm tới trên 90% nguy cơ mắc một số loại ung thư liên quan tới HPV.
Vaccine được tiêm làm hai liều, mũi thứ hai được tiêm sau mũi thứ nhất từ 6 đến 12 tháng. Tiêm vaccine phòng HPV cũng được khuyến khích cho tất cả mọi người từ 26 tuổi trở lên (nếu họ chưa được tiêm chủng). Độ tuổi tiêm vaccine có thể kéo dài đến năm 45 tuổi, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Tiêm vaccine phòng cho nam giới là biện pháp phòng bệnh an toàn, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao cho các đối tượng trong độ tuổi được khuyến cáo. Cần tiêm đủ liều, đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.