PLBĐ - Dưới đây là một số bài thuốc nam chữa đau lưng mạn tính do BS. Vũ Quốc Trung chia sẻ.
Nguyên nhân khiến bạn bị đau lưng
Theo BS. Nguyễn Thanh Sơn, ngoài đau lưng do các bệnh lý thì còn có các nhóm nguyên nhân như tuổi tác, gặp chấn thương, lao động nặng nhọc…
Sau đây là "thủ phạm" thường gặp khiến bạn bị đau lưng:
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp chủ yếu là bị thoái hóa khớp và viêm khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm. Khi cột sống thắt lưng bị thoái hóa, người bệnh sẽ đau vùng lưng dưới, cơn đau sẽ tăng mỗi khi vặn mình, cúi người hoặc nhấc đồ vật nặng.
Viêm cột sống dính khớp
Đau lưng dạng viêm do viêm cột sống dính khớp là cơn đau khá phức tạp. Những cơn đau thường diễn ra ở vùng cột sống thắt lưng hoặc có thể xảy ra ở vùng mông. Kèm theo đó là bị cứng cột sống khiến cho người bệnh khó khăn khi hoạt động, đi lại. Đau lưng kéo dài nhiều ngày, thậm chí vài tháng giống như những cơn đau mãn tính.
Cơn đau có thể lan ra khắp vùng cột sống, lan đến cổ, thậm chí cả lồng ngực và bả vai hay đùi, gót chân của người bệnh đều cảm thấy đau đớn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đó là cong cột sống, gù lưng,…
Do bị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, người bệnh thường xuất hiện chứng đau lưng.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Nhiều khi thoát vị đè vào dây thần kinh làm đau lan xuống chân.
Chấn thương hoặc bong gân
Gãy xương ở cột sống có thể là một trong những nguyên nhân nổi bật của đau lưng. Cơn đau do gãy xương thường khác hẳn với đau lưng mạn tính, nó thường có cảm giác đau buốt. Những bệnh nhân bị gãy xương ở cột sống thường trở thành bệnh nhân đau lưng mạn tính ngay cả sau khi phẫu thuật hoặc điều trị.
Khi bị bong gân hay chấn thương tủy sống người bệnh có thể không cảm thấy đau ngay lập tức. Người bệnh có thể bị đau nhiều sau mang vác nặng, đó có thể do bong gân hoặc giãn dây chằng do chấn thương.
Ngồi lâu bị đau lưng
Thói quen ngồi nhiều trong một thời gian dài của những người làm việc văn phòng sẽ rất có hại cho sức khỏe và chức năng hoạt động cột sống lưng. Những cơn đau lưng khi ngồi lâu đôi khi chỉ là tác động vật lý, xuất hiện và tự biến mất trong thời gian ngắn sau đó cơ lưng lại trở về bình thường. Tuy nhiên khi người bệnh cảm thấy những cơn đau lưng ngày càng tăng dần khi đi lại, vận động và chuyển biến phức tạp, đau lưng đi kèm với buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đau âm ỉ khiến mất ngủ… thì có khả năng đây là triệu chứng bệnh lý xương khớp.
Do loãng xương
Đàn ông và phụ nữ tuổi từ 50 trở đi thường cảm thấy đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, thay đổi tư thế, đứng, ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh toạ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do loãng xương, cộng với sự lão hóa cơ thể, ít hoạt động ngoài trời, thiếu vitamin D, chức năng dạ dày, ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu, xương bị thoái hóa.
Béo phì
Nếu bị béo phì sẽ tạo áp lực rất lớn lên bộ xương là giá đỡ cho cơ thể. Cân nặng quá mức làm giãn cơ bắp, gây đau lưng và các bệnh viêm xương khớp cột sống. Cần chú ý đến sự xấu đi của bệnh viêm xương khớp ở xương hông và phía trên đầu gối. Khi một người béo phì, bất kỳ sự gia tăng trọng lượng nào ở vị trí trung tâm sẽ chuyển xương chậu về phía trước và làm cho cột sống cong quá sâu vào trong. Đó là một tình trạng gây áp lực bất thường trên cơ lưng.
Trong khi đó, cơ thể quá béo sẽ khiến xương cột sống cũng như dây chằng phải làm việc vất vả hơn, chịu sức ép nặng hơn để giữ cân bằng cơ thể, ngoài ra, việc ít vận động cũng khiến phần gân cơ, cột sống bị yếu đi gây ra tình trạng đau lưng.
BS. Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết,để cải thiện được tình trạng đau lưng bạn cần điều chỉnh và thực hiện như sau:
Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động, học tập khoa học
Tăng cường vận động tập luyện thể dục , chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe, công việc của mình
Tránh các chất kích thích, đồ uống có cồn như bia rượu, cà phê, thuốc lá…
Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt cũ, cần xây dựng một thói quen mới nhằm cải thiện sức khỏe được tốt hơn
Để phòng tránh đau lưng, cần năng vận động, tập thể dục thể thao phù hợp. Chế độ ăn phải phong phú đủ chất và các nhóm thực phẩm, giàu canxi và vitamin D, cung cấp dưỡng chất cho bộ xương. Với người làm văn phòng phải ngồi nhiều thì sau mỗi 1 giờ nên đứng dậy vận động khoảng 5-7 phút.
Dưới đây là một số bài thuốc nam chữa đau lưng mạn tính do BS. Vũ Quốc Trung chia sẻ:
Bài thuốc sắc:
Dùng thuốc giảm đau lưng ở người cao tuổi như thế nào cho hiệu quả?
Bài 1: Dây mướp tươi 2m, thái lát mỏng. Sắc uống 2-3 lần trong ngày.
Bài 2: Rễ cây mướp và dây mướp già ở gần gốc đem đốt thành tro hoặc sao cho đến khi có màu vàng già thì xay nhỏ thành bột. Ngâm uống 2 lần, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng rượu.
Bài 3: Cẩu tích (rễ cây lông cu-li) 30g, sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do hàn thấp.
Bài 4: Hạt cam sao vàng, xay nhỏ thành bột mịn. Ngày uống 10g, chia 2 lần, chiêu thuốc bằng rượu nhẹ. Chủ trị đau lưng do chấn thương gây ứ huyết bên trong.
Bài 5: Hạt hẹ 12g, vừng 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 6: Rễ cà 20g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 7: Vỏ quả bí ngô già 60g, rễ cây bông 60g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 8: Vỏ quả bí ngô già 60g, hương nhu 15g, đường đỏ 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 9: Đậu đỏ nhỏ 30g, xơ mướp 12g, củ hành ta 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 10: Hạt bí ngô 40g, đậu đỏ nhỏ 30g, lá cây lạc 20g, gừng khô 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia ngày 3 lần uống trong ngày.
Bài 11: Hạt bông 40g, hành củ 20g, tía tô 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 12: Trà xanh 3g, bột vừng chín 5g, đổ vào nửa lít nước sôi, khuấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang.
Bài 13: Rễ cây lau 30g, vỏ quả bí ngô già 30g, nhân trần 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 14: Cốt toái bổ 30g, đem sấy khô rồi xay thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g. Chiêu thuốc bằng rượu hoặc sắc nước uống.
Thuốc dùng ngoài:
Bài 1: Lá ngải cứu tươi xào nóng với dấm, bọc trong túi vải đắp, chườm vào thắt lưng hay chỗ đau.
Bài 2: Hạt mướp tươi 60g, giã nát, đắp vào huyệt mệnh môn (nằm ở giữa 2 gai đốt sống thắt lưng 3 và 4). Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 3: Rễ hẹ 100g, dấm chua 50ml. Rễ hẹ rửa sạch, giã nát, thêm dấm rồi bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 4: Gừng sống 20g, hành củ 15g, bột mì 30g. Đem gừng và hành giã nát rồi cho bột mì vào. Xào nóng, sau đó đắp vào chỗ đau, dùng băng vải cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 5: Lá ớt cay 50g, rượu vừa đủ. Lá ớt rửa sạch, giã nát, rang nóng rồi cho thêm chút rượu, bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau khi thuốc còn nóng. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Khi thuốc nguội có thể xào lại vài lần.