Chuyên gia thực phẩm nói về loại cherry giá rẻ giật mình

Tô Hội 04/03/2023 23:45

Cherry vốn là loại quả có giá cao, việc thị trường xuất hiện loại quả cherry giá rẻ bằng 1/3 thông thường liệu có đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng?

Cherry siêu rẻ ngập chợ mạng

Gần chục năm trở lại đây, quả cherry bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam và nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, rất nhiều thùng cherry đang được rao bán tràn ngập trên mạng với giá chỉ rẻ bằng một nửa, bằng 1/3 so với giá cherry Mỹ, New Zealand lại có nguồn gốc từ Trung Quốc và được "dán mác" của các quốc gia trên.

Tại các cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại, cherry Mỹ, New Zealand luôn có mức 400.000 – 600.000 đồng/kg tùy loại. Loại quả này còn khó bảo quản, dễ dập nát khi vận chuyển nên cũng ít nhà nhập khẩu. Vì thế, cherry vốn dĩ được coi là loại quả dành cho những gia đình khá giả.

Chuyên gia thực phẩm nói về loại cherry giá rẻ giật mình - Ảnh 2.

Cherry giá rẻ được rao bán đầy chợ mạng.

Thế nhưng, trên mạng lại tràn lan những loại cherry chín mọng, đỏ au với lời khẳng định nhập khẩu từ "Mỹ, Úc, Canada" với mức giá siêu rẻ. Không ít người biết rằng, thời điểm này, Trung Quốc đang vào vụ cherry nên giá rất rẻ. Tuỳ từng kích cỡ, cherry Trung Quốc có giá khác nhau. Loại quả to, ăn giòn và ngọt thì giá bán lẻ khá cao, 280.000 đồng/kg. Còn loại đang được rao bán 120.000 - 140.000 đồng/kg là loại quả nhỏ, không có độ đỏ thẫm và ăn hơi chua.

Chị Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay chị có thấy quảng cáo về cherry Trung Quốc trên mạng xã hội nhưng chưa mua. Một phần vì số lượng mỗi thùng quá nhiều, lên tới 8,7 kg mà chủ hàng không bán lẻ, phần vì lo ngại về chất lượng. "Mình nghe hàng Trung Quốc nên cũng ngại chưa dám thử. Bởi trước giờ hoa quả Trung Quốc có tiếng xấu nên dù rẻ mình cũng không muốn mua", chị Ngọc Anh chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cherry giá rẻ có thể do được trồng ở Trung Quốc. Do khoảng cách gần, chi phí vận chuyển thấp, lại được trồng số lượng lớn nên có thể giá thành sản phẩm giảm hơn hẳn so với nhập khẩu từ các nước châu Âu. Về nguyên lý, ngay cả ở những vùng trồng hay nhập khẩu của Trung Quốc, mục đích của nhà sản xuất là bán sản phẩm ở nhiều thị trường khác nhau, kể cả thị trường trong nước. Nếu sản phẩm có chứa chất bảo quản độc hại hoặc có nguy cơ đe dọa sức khỏe người dùng thì chắc chắn sản phẩm không thể được phân phối.

"Nhiều người có tâm lý cứ thấy hàng nhập từ Trung Quốc là chất lượng kém. Điều này là rất sai lầm, hàng hóa giá rẻ vì đầu vào rẻ, sản xuất số lượng lớn thì giá thấp chứ giá rẻ không đồng nghĩa với chất lượng thấp. Chính tâm lý này khiến không ít người buôn bán tự đẩy giá lên để 'móc túi" người mua mà không hay", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, gần đây  có một số người lên mạng xã hội chia sẻ danh sách có 5-6 loại quả nhập khẩu từ Trung Quốc "rất độc hại, nguy hiểm, độc hơn cả thạch tín…  nếu ăn phải". Đây là kiểu tuyên truyền rất thiếu cơ sở khoa học, gây hoang mang cho người dùng, cần phải ngăn chặn. Thực phẩm nếu độc hại thì chắc chắn cơ quan chức năng đã có các biện pháp can thiệp, không để bán tràn lan trên thị trường như thế.

Hàng nhập khẩu luôn có chứng nhận kiểm dịch

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, hiện nay Việt Nam đã cho phép nhập khẩu chính ngạch cherry từ 4 quốc gia New Zealand, Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc, còn Australia đang làm thủ tục đàm phán.

Cherry nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Mỹ có giá cao chủ yếu do giá thành vận chuyển cao chứ không phải vì giá thành nuôi trồng đắt đỏ. Một cán bộ xuất nhập khẩu cho biết, để mua được trái cherry đúng là hàng nhập khẩu từ Mỹ – Úc – Canada hay Newzealand, người tiêu dùng cần mua ở những nơi chứng minh được nguồn gốc nhập khẩu qua giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm do Chi cục kiểm dịch thực vật vùng II cấp, có ghi rõ ngày tháng lô hàng xuất đi từ nước nào và đến thành phố nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ hơi khó vì phần lớn nguồn hàng cherry bán online hiện nay đang là hàng xách tay.

Theo chuyên gia, hầu hết ở các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trái cây nhập khẩu được bán đều có đầy đủ tem mác với chỉ số rõ ràng. Khách hàng có thể chú ý kỹ một chút ở tem mác này để biết được thông tin về loại trái cây mà mình mua như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, trồng với quy trình nào, có biến đổi gen hay không, nhập khẩu từ nước nào...

Với những loại trái cây không có nhãn mác hoặc nhãn được in không rõ ràng, bạn nên cân nhắc trước khi mua bởi chất lượng có thể không được kiểm định. Nếu sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, tốt nhất là không nên ăn các loại quả để quá lâu mà không hỏng bởi dù bên ngoài vẫn tươi nhưng các chất bên trong vẫn có thể bị chuyển hóa. Cách tốt nhất là ăn quả theo mùa. Với quả nhập khẩu thì có thể chọn loại rõ nguồn gốc xuất xứ và dù để lâu vẫn tươi thì cũng nên dùng ngay khi mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyên gia thực phẩm nói về loại cherry giá rẻ giật mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO