Nuôi loài chim hoang dã có giá trị kinh tế cao, một nông dân ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định có thu nhập hàng tỷ đồng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, anh Đinh Văn Thuận ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định quyết định nán lại TP Hồ Chí Minh làm một số công việc để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nhận thấy mô hình trồng cây đinh lăng ở quê (Nam Định) đang phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, anh quyết định rời TP Hồ Chí Minh, trở về bắt đầu công việc mới.
Sau khi trở về anh Thuận quy hoạch được hơn 2 ha, trồng chuyên canh cây đinh lăng, áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động. Mô hình phát triển, sản xuất ổn định nhiều năm liền. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Qua thời gian và phát huy sức mạnh của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương, phát triển kinh tế gia đình, người đàn ông này không ngừng học hỏi, tìm hiểu, đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế mới lạ ở các tỉnh lân cận.
Trong một lần đi tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi chim yến ở tỉnh Ninh Bình, anh nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới, chắc chắn sẽ đem lại thu nhập ổn định trong tương lai.
Năm 2019, anh Thuận khởi công xây dựng nhà nuôi chim yến. Đến năm 2020, nhà nuôi chim yến rộng chính thức đi vào hoạt động. Đây cũng là nhà nuôi yến đầu tiên ở tỉnh Nam Định.
Chia sẻ với PV, anh Thuận cho biết: "Nhà nuôi chim yến ban đầu của có diện tích khoảng 200 m2 và cũng là mô hình nuôi chim yến đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nam Định. Nhà nuôi chim yến của anh cách biển khoảng 300m, gần cánh đồng lúa xen kẽ những con sông và hàng trăm ao hồ nước ngọt, đây là môi trường lý tưởng, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến.
Trong quá trình khai thác, vận hành nhà nuôi chim yến, tôi gặp không ít khó khăn. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rét cho đàn chim, nên chim yến chết rét hàng loạt. Số lượng chim chết do thời tiết chiếm khoảng 70% tổng đàn".
Sau thất bại, anh Thuận quyết tâm tìm hiểu và học thêm kinh nghiệm. Qua đó, nhờ áp dụng đúng, đủ 5 yếu tố: "Âm - ẩm - sáng - khí - nhiệt". Có thể nói đủ các yếu tố như: âm thanh, độ ẩm, ánh sáng, khí và nhiệt độ nên các nhà nuôi chim yến của gia đình anh hoạt động ổn định, tổng đàn chim yến tăng cao.
Nhờ áp dụng đúng, đủ 5 yếu tố nêu trên, nhiều năm qua, 5 nhà nuôi chim yến của anh Thuận tại Nam Định, Quảng Bình và trên đất nước bạn Lào hoạt động ổn định, tổng đàn chim yến tăng cao, cho năng suất tổ yến đạt 220kg/năm.
Theo vị gia chủ này chia sẻ thêm, hiện nay trong khuôn viên trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình gồm có nhà nuôi chim yến, khu trồng cây dược liệu, khu trồng cây ăn quả, khu nuôi trồng thủy sản… tất cả được quy hoạch rõ ràng, tạo không gian xanh, thoáng mát.
Xung quanh trang trại trồng rất nhiều cây dừa xiêm Bến Tre, số lượng lên tới hơn 1.300 cây. Trong số này, có khoảng 40% cây dừa đã và đang cho thu hoạch trái. Những trái dừa xanh, nước ngọt, mang đậm hương vị miền Tây sông nước.
"Thời gian tới, tôi sẽ "biến" trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình thành khu du dịch sinh thái, một "Bến Tre thu nhỏ" giữa vùng quê ven biển Hải Hậu. Du khách tham quan sẽ được uống nước dừa, thưởng thức trái cây miễn phí trong quá trình trải nghiệm" - ông chủ mô hình nuôi chim yến ở Nam Định nói về dự định.
Xung quanh trang trại trồng rất nhiều cây dừa xiêm Bến Tre, số lượng lên tới hơn 1.300 cây cùng với các sản phẩm chế biến từ tổ yến.
Hiện tại, du khách đến tham quan, trải nghiệm trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình anh Thuận ở mọi lứa tuổi. Trong đó, có nhiều du khách ở xa, học sinh lớp Mầm non, cấp 1 trên địa bàn huyện Hải Hậu.
Với cách làm hay, sáng tạo, đổi mới, trung bình mỗi tháng trang trại kinh tế tổng hợp của anh Nông dân xuất sắc Đinh Văn Thuận đón khoảng 200 lượt khách. Không những thế, các loài chim tự nhiên như chào mào, bìm bịp… cũng bay về trang trại làm tổ với số lượng lớn.
Theo anh Thuận cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài ra, gia đình anh ủng hộ các công trình phúc lợi, phong trào địa phương khoảng 300 triệu đồng/năm.