Người có tiền nhàn rỗi đang quay lại với kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất các kỳ hạn 6-12 tháng đều đã vượt mức 5%/năm
Ngày 14-8, anh Hoàng Minh (ngụ TP HCM) cho biết có khoản tiền gửi tiết kiệm 400 triệu đồng tới hạn tất toán. Trước đó, anh chỉ chọn gửi dưới 3 tháng để khi cần có thể rút ra để làm ăn hoặc đầu tư.
Tuy vậy, gần đây các kênh đầu tư đều khó, trong khi lãi suất đã nhích lên đáng kể so với trước. Đặc biệt, gửi kỳ hạn 6-12 tháng đều đã vượt mức 5%/năm nên anh quyết định chọn gửi kỳ hạn 6 tháng để có lãi suất tốt hơn và ngày đáo hạn rơi vào dịp Tết Nguyên đán, anh có thể rút ra để chi tiêu cuối năm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện lãi suất gửi 6 tháng tại ngân hàng thương mại nhà nước gồm VietinBank, BIDV, và Vietcombank vẫn còn khá thấp, dao động từ 2,9% - 3%/năm. Nếu gửi 400 triệu đồng kỳ hạn này, tiền lãi nhận được cuối kỳ vào khoảng 6 triệu đồng (mỗi tháng 1 triệu tiền lãi).
Ở các ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất phải kể đến là BacABank 5,15%, CBBank 5,4%, BaoVietBank 5%, NCB 5,05%. Các ngân hàng huy động lãi suất cùng kỳ hạn này từ 4,7 – 4,9% như VPBank, Saigonbank, Oceanbank, OCB, Eximbank…
Nếu lãi suất gửi 6 tháng khoảng 5%, với khoản tiền 400 triệu đồng tiền lãi sẽ khoảng 10 triệu đồng (mỗi tháng 1,66 triệu đồng tiền lãi).
Nhận định về kênh gửi tiết kiệm, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4.
Dự báo trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh nên cầu vốn đầu tư trong nền kinh tế sẽ tăng cao. Khi đó các ngân hàng tăng cường huy động vốn và phải neo lãi suất ở mức hợp lý, đủ hấp dẫn để hút vốn.
"Nếu lãi suất tiền gửi tăng, người dân sẽ cân nhắc quay lại kênh tiền gửi tiết kiệm, bởi vừa an toàn, bảo đảm sinh lời ở mức tốt trong khi các kênh đầu tư khác rủi ro cao hơn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, hiểu biết…" - PGS-TS Huân nói.