Gần đây có nhiều thông tin về việc Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông sẽ bị thay thế, bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về vấn đề này.
Có đúng Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông sẽ bị thay thế từ năm 2025? (Hình từ internet)
Ngày 27/7/2024, Chính phủ ban hành Quyết định 717/QĐ-TTg năm 2024 về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7 (trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024).
Cụ thể tại tiểu mục 19 Mục 4 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 717/QĐ-TTg năm 2024, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dự kiến thời hạn trình/ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là trước ngày 15/10/2024.
Đồng thời, hiện nay Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Dự thảo Nghị định |
Nghị định này quy định về:
- Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: Hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Quy định về hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp trừ điểm Giấy phép lái xe; mức điểm trừ đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Dự kiến Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ quy định tại điểm r khoản 3 Điều 7 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.
Nghị định này thay thế điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, điểm I, điểm k, điểm p, điểm q, điểm r, điểm t, điểm u, điểm v, điểm x, điểm y khoản 2 Điều 4 mục 1; mục 3; mục 4; Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 mục 5; mục 6 Chương II; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 2; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 3; bỏ cụm từ “điểm a khoản 2 Điều 16; điểm a khoản 6 Điều 23; Điều 28; điểm a khoản 2 Điều 32;” tại khoản 3a; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l khoản 4; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e điểm g, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm o, điểm p, điểm q khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều 74; khoản 3, khoản 4, điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 12, khoản 13 Điều 80; điểm a, điểm b, điểm d, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 81; Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Hiện hành, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. |
Như vậy, có thể thấy Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông sẽ không bị thay thế hoàn toàn, mà chỉ bị thay thế một số điều khoản về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ để phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại.
Tại Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe nêu rõ:
Tờ trình |
- Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới,có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình phương tiện giao thông đường bộ mới được đưa vào sử dụng nên cần phải có quy định bao quát, đầy đủ hơn.
- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ có liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông. Hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng. Mỗi năm cơ quan chức năng tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp vi phạm. Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân; việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều Giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nhân lực nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Để triển khai việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo các văn bản được ban hành có hiệu lực thi hành cùng thời điểm của Luật, ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 717/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe là hết sức cần thiết.