Doanh nghiệp, cá nhân có được cho thuê đất rừng đặc dụng để kinh doanh làm khu du lịch sinh thái hay không?
Căn cứ khoản 4 Điều 53 Luật Lâm nghiệp 2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 7 Điều 248 Luật Đất đai 2024), chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu có thể hợp tác hoặc thuê đất của chủ rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch sinh thái.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Chủ rừng đặc dụng có thể cho thuê rừng đặc dụng để làm khu du lịch sinh thái
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ điểm đ khoản 6 Điều 14 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP), chủ rừng căn cứ hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân, tổ chức đánh giá để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm theo tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình. Trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, chủ rừng tiến hành đàm phán, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, bảo đảm giá thuê môi trường rừng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng. Trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên đủ điều kiện thì chủ rừng lựa chọn tổ chức, cá nhân có số điểm đánh giá hồ sơ cao nhất; trong đó, yếu tố giá là một tiêu chí trong hồ sơ kỹ thuật, bảo đảm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng.
Như vậy, chủ rừng đặc dụng được phép cho thuê rừng để thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái với giá thuê không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng.
Căn cứ khoản 5 Điều 14 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP), nội dung chính thẩm định đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bao gồm:
(i) Hiện trạng rừng, khả năng tổ chức thực hiện và các loại sản phẩm, dịch vụ du lịch.
(ii) Vị trí, địa điểm, quy mô, vật liệu, chiều cao, mật độ, tỷ lệ dự kiến và thời gian tồn tại của các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tùy thuộc vào hiện trạng rừng từng khu vực, bảo đảm chức năng của khu rừng và tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 15 Nghị định 156/2018/NĐ-CP.
(iii) Thời gian, phương thức tổ chức thực hiện.
(iv) Các giải pháp về vốn, nguồn lực đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy; phương thức tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; giá cho thuê môi trường rừng theo quy định tại Mục 2 nêu trên.
(v) Sự phù hợp với yêu cầu bảo đảm quản lý rừng bền vững của các chỉ tiêu sử dụng mặt bằng xây dựng, chiều cao công trình đối với từng tuyến, điểm; vị trí, quy mô các công trình ngầm; tính khả thi của khu vực dự kiến điểm đấu nối và mạng lưới giao thông; đường cáp trên không gồm tuyến cáp, nhà ga và trụ đỡ; hệ thống đấu nối và khả năng cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy.
(vi) Tổ chức giám sát hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
(vii) Các nội dung khác theo quy định tại các điểm e, g và h khoản 1 Điều 14 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP).