Sau một tuần trị chứng tăng tiết mồ hôi chân bằng cách ngâm lá trầu không, hai bàn chân và một tay của nữ bệnh nhân bị trắng bóc lạ thường.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) chia sẻ về ca lâm sàng tăng giảm sắc tố hi hữu. Trước đây, các ca tăng giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy, đốm trắng, đốm đen khi sử dụng cao lá trầu không, đắp lá trầu không để điều trị rám má gặp nhiều vùng mặt. Với ca bệnh này, cô gái có 2 tay, 2 chân lại chỉ bị trắng bóc hai chân và 1 bàn tay. Tay còn lại do cô cầm điện thoại lướt web khi ngâm chân nên may mắn không bị đổi màu.
Hai bàn tay một đen, một trắng của cô gái do vùng da trắng tiếp xúc với nước ngâm lá trầu không.
Theo Bác sĩ Tâm, đây là ca lâm sàng hiếm được báo cáo trên y văn. Vì lá trầu không chủ yếu được ghi nhận gây chứng tăng giảm sắc tố loang lổ ở mặt. Vì thế, khi bệnh nhân đến khám, ban đầu bác sĩ còn ngỡ bệnh nhân bị bạch biến.
Bệnh nhân là cô gái trẻ 20 tuổi, đã trải qua 4 năm vật vã điều trị căn bệnh kỳ lạ, 2 chân, 1 tay trắng bóc, tay còn lại bánh mật giống màu da.
Cách đó 4 năm, khi nghe mách ngâm lá trầu không có thể trị căn bệnh tăng tiết mồ hôi chân, cô gái trẻ đã làm theo. Cô ngâm 2 chân vào chậu nước chứa lá trầu không, để tăng hiệu quả cô gái lấy tay phải vớt nước tưới thêm vào mu và cẳng chân, tay trái được rảnh rang lướt điện thoại.
Và hai bàn chân trắng khác thường với những vùng da không tiếp xúc với lá trầu không.
Chỉ sau một buổi ngâm chân vào chậu nước lá trầu không, tay phải và 2 chân cô gái xuất hiện đỏ da, sau vài ngày bong vảy và tạo hình ảnh giống như bạch biến. 4 năm tiếp theo là quãng thời gian cô gái vật vã điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi nhưng hiệu quả chỉ là con số 0.
BS Tâm chia sẻ, khi bệnh nhân tới khám, tổn thương của bệnh nhân rất điển hình giống bạch biến, nên lúc đầu bác sĩ Tâm cũng nghĩ đến bạch biến.
Nhưng sự kỳ lạ ở chỗ, cô chỉ có 2 chân và 1 tay bị. Vì thế, sau khi khai thác lại tiền sử thì mới biết được chính xác nguyên nhân cô gái bị viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do lá trầu không.
Trước đó, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ da liễu gặp khá nhiều bệnh nhân đến vì tổn thương da đen, trắng xen kẽ nhau sau khi tự sử dụng lá trầu không hoặc sản phẩm từ lá trầu không bán trên mạng.
Có những thời điểm BS Tâm cùng lúc điều trị cho 4 trường hợp bệnh nhân là phụ nữ trung niên bị căn bệnh này do dùng sản phẩm từ lá trầu không để chữa nám da, làm trắng da.
Tất cả bệnh nhân đến viện khi gặp hậu quả do sử dụng lá trầu không đều bị các bệnh như rám má, tàn nhang… hoặc đôi khi muốn da trắng hồng như thiên thần. Có người dùng bài thuốc có lá trầu, kem bôi không rõ nguồn gốc, hay trực tiếp đắp lá trầu không (đã được hấp chín, để nguội) lên mặt trước khi đi ngủ.
Thời gian đầu khi sử dụng các sản phẩm này, bệnh nhân rất thích bởi da sáng trắng, vết nám da mờ hẳn, sau 1 - 2 tháng da trắng như da em bé.
Tuy nhiên, sau khi ngừng đắp 1 – 2 tuần, các vết nám má và tăng sắc tố phát triển trở lại, đậm màu hơn cả khi đắp. Cứ thế, bệnh nhân quay cuồng trong vòng tròn đắp lá - dừng - bị lại và lại quay trở lại đắp lá.
Giải thích tình trạng này, BS Trâm cho biết, trong lá trầu không có chất phenolic compounds có tác dụng làm trắng mạnh, nên hiệu quả trắng da rất rõ rệt.
Do tính chất làm trắng mạnh, sau giai đoạn tưởng như da đã đẹp hơn thì bệnh nhân lại bước vào giai đoạn thứ 2 là tăng sắc tố sau viêm. Và ở giai đoạn 3 là giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố, gây nên các nốt trắng, đen lốm đốm trên gương mặt. Đây là tác dụng phụ của chất làm trắng quá mạnh trong lá trầu không.
"Tác dụng trắng da này nhanh hơn bất kì loại thuốc làm trắng hiện tại trên thị trường, vì thế, các bệnh nhân đều bị mê hoặc trong giai đoạn đầu, thấy da đẹp lên từng ngày, nên khi xuất hiện các nốt tăng, giảm sắc tố bệnh nhân đều rất sốc vì đang đẹp trở nên xấu quá nhanh", BS Tâm nói.
Theo BS Tâm, việc điều trị tăng sắc tố sau viêm phụ thuộc vào vị trí (thượng bì hay trung bì). Bệnh nhân cũng phải chấp nhận thực tế khi ngừng sử dụng trầu không để đắp mặt và điều trị da mặt bệnh nhân sẽ đen hơn, kiên trì điều trị thường sau 1 năm da có thể phục hồi đạt 70 - 80% ở trạng thái bình thường. Một số ít bệnh nhân nếu điều trị thuốc bôi không đáp ứng, có thể thêm phương pháp chiếu đèn, thậm chí ghép da nếu thất bại.
BS cũng khuyến cáo những tác động gây tăng, giảm sắc tố việc điều trị rất lâu dài, kiên trì, vì thế ông không khuyến cáo chị em dùng sản phẩm này để chữa nám da hay với mục đích làm trắng da. Vì không sớm thì muộn, các tác động xấu sẽ ngày càng rõ ràng do chất làm trắng quá mạnh. Để có làn da khỏe, chị em cần thực hiện chống nắng, dưỡng ẩm, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước.
(Theo Hồng Hải/Dân trí)