Não người đàn ông tổn thương sau nhiều năm có thói quen ăn tiết canh, thịt tái.
Ông T.V.H. (61 tuổi) ở Sơn La gần đây thường xuyên bị đau đầu, đôi khi thấy chóng mặt. Thời gian trước ông bị co giật 2 lần, lần đầu xảy ra vào tháng 11/2023, ông được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương. Bác sĩ chẩn đoán ông bị huyết áp cao và thần kinh yếu, khuyên ông về nhà nghỉ ngơi và theo dõi.
10 tháng sau, ông H. co giật lần thứ hai. Sáng hôm đó, ông thức dậy và cảm thấy đầu đau nhói, chóng váng, rồi co giật và ngã quỵ. Gia đình hoảng loạn đưa ông đến bệnh viện, các bác sĩ chụp CT não, kết quả nhiều tổn thương rải rác khắp não bộ của ông H., nghi ngờ nhiễm sán não.
Người đàn ông được chuyển đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để điều trị. Quá trình xét nghiệm, chẩn đoán, bác sĩ xác nhận ông H. mắc sán với nhiều tổn thương trong não bộ. Ông trải qua liệu trình điều trị kéo dài, sử dụng các loại thuốc tẩy sán đặc trị. Đến nay, ông nằm viện được 20 ngày.
Người đàn ông chia sẻ, trước thường xuyên được mời ăn tiết canh lợn rừng, đây có thể là nguyên nhân ông mắc sán não.
Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, chia sẻ ông H. là một trong những trường hợp điển hình về nhiễm sán não do ăn thực phẩm chưa nấu chín kỹ. Các tổn thương trong não của ông H. là dấu hiệu đặc trưng của sán não, với các triệu chứng như đau đầu, co giật, buồn nôn, máy giật cơ và yếu liệt.
Theo bác sĩ Hách, nguyên nhân nhiễm sán não chủ yếu do con người ăn phải ấu trùng sán lợn từ thực phẩm chưa được nấu chín. Các món ăn như tiết canh lợn, thịt lợn sống, nem chạo thường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán cao. Bác sĩ cảnh báo ngay cả khi thịt lợn được nuôi trong điều kiện tốt, vẫn rất khó để đảm bảo 100% không có ký sinh trùng.
Thực hiện an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn rất quan trọng. Mọi người nên ăn chín uống sôi, không ăn các món tiết canh hay thực phẩm thịt lợn chưa nấu chín kỹ để phòng ngừa nhiễm sán não cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác.