Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt để giảm tình trạng béo phì?

Tô Hội 24/02/2023 16:51

Ngoài tăng tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu, thuốc lá, Bộ Tài chính một lần nữa đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế.

Tăng thuế để giảm lượng tiêu thụ nước ngọt

Thay đổi thuế với bia, rượu, thuốc lá và nước ngọt nằm trong đề án xây dựng Luật Thuế thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Với đồ uống có đường (nước ngọt), Bộ Tài chính đề nghị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp". Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cơ quan này dẫn các số liệu cho thấy tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt để giảm tình trạng béo phì - Ảnh 2.

Nước ngọt có nhiều tác hại cho sức khỏe.

Một số liệu khác được dẫn là theo kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính ủng hộ đề xuất này. Ông cho rằng đã đến lúc cần thiết phải đánh thuế vào mặt hàng này, dù đề xuất đã có từ nhiều năm trước. Các nước đã dần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

WHO khuyến cáo các Chính phủ tiến hành nhiều hành động khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh, qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Nước ngọt là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, béo phì, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế khi phải chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này.

"Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào nước ngọt, thời gian đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất rượu bia, nước ngọt, nhưng phải nhìn nhận cả quá trình. Suốt 4 năm qua, lượng tiêu thụ nước ngọt của thị trường Việt Nam luôn tăng với mức rất lớn. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến đà tăng này chững lại, nhưng so với mức tăng trưởng liên tục trong suốt thời gian qua thì sẽ không quá ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp", TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Theo ông, nếu không có giải pháp gì, tác hại của việc sử dụng nước ngọt đến sức khỏe cũng sẽ tăng lên theo biểu đồ tăng trưởng về lượng hàng bán ra. Khi đó, chi phí y tế để chữa bệnh tim mạch, béo phì sẽ lại càng gia tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính. Ngoài là nguyên nhân gây ra các bệnh như béo phì, rối loạn nội tiết.. thì tác hại của nước ngọt còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. phần lớn nước ngọt có gas thường chứa nhiều đường và lượng axit tương đối cao.

Trung bình một lon nước ngọt có chứa khoảng 39g đường (tương đương 9.75 thìa cà phê đường). Uống nhiều nước ngọt sẽ dẫn đến lượng đường trong máu cao, gây ra tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.Khi chúng ta hấp thụ nhiều đường dưới dạng nước uống có ga sẽ dẫn đến mỡ nội tạng bám vây quanh hệ thống tiêu hóa như gan, thận, ruột, dạ dày. Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu gan nhiễm mỡ gia tăng, có thể chuyển thành xơ gan, ung thư gan nếu không điều trị kịp thời. Điều này tương tự với thận nhiễm mỡ hay dạ dày …

Nên phân loại rõ ràng loại nước ngọt cần đánh thuế

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt, trà, cà phê… sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này có thể làm giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Dẫn chứng cụ thể, ông Long cho biết, sau khi Indonesia áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nước giải khát có ga, ngân sách nước này đã thâm hụt ròng 783,4 tỷ Rupi, tương đương 1.384 tỷ đồng. Hay tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường ở mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước khoảng 1.975 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chính sách thuế mới này cũng có thể khiến cho doanh thu và sản lượng của riêng ngành nước giải khát và ngành mía đường giảm khoảng 3.928 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ trợ như bao bì, vận chuyển, bán lẻ… cũng bị ảnh hưởng, do vậy làm phát sinh những tác động không mong muốn đối với cả nền kinh tế.

Do vậy, ông Long cho rằng chưa nên đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam. Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của một số nước Đông Nam Á. Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì.

Nhà nước nên đưa ra các giải pháp chính sách có tính thân thiện với thị trường hơn đã được chứng minh hiệu quả ở các nước khác như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho học sinh về nếp sống và những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe; thuyết phục các công ty sản xuất tự cam kết và xây dựng kế hoạch giảm mức đường trong sản phẩm; công bố chuẩn dinh dưỡng; dán nhãn sản phẩm để thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng.

Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư pháp đánh giá luận cứ áp thuế khi đó chưa thực sự thuyết phục, còn Bộ Công Thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh.

Với bia, rượu, thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt các năm qua đã tăng theo lộ trình. Từ năm 2016 đến 2018, sắc thuế này với rượu từ 20 độ trở lên và bia tăng từ 55% lên 65%. Thuốc lá, xì gà bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 75% từ năm 2019, tăng thêm 5% với giai đoạn 3 năm trước đó. Nhưng tình hình sử dụng các mặt hàng này ở Việt Nam, theo Bộ Tài chính, vẫn ở mức cao và gia tăng nhanh. Số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vẫn cao (42,3%), chưa đạt được mục tiêu dưới 37%.

Tương tự, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ ba tại châu Á. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người khoảng 47,6 lít, gấp 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng bia, rượu, thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và đề xuất tăng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt để giảm tình trạng béo phì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO