Doanh nghiệp trong quá trình san lắp mặt bằng có thu được khoáng sản có phải đóng phí bảo vệ môi trường không? Nếu có thì biểu mức thu phí là bao nhiêu?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 164/2016/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 15/7/2023), hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản thuộc trường hợp áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoán sản tận thu.
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 27/2023/NĐ-CP, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (bao gồm cả trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản nhưng thu được khoáng sản) theo Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 27/2023/NĐ-CP có bổ sung thêm quy định về các trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường quy định tại Điều 5 Nghị định 27/2023/NĐ-CP. Đây là quy định mới so với Nghị định 164/2016/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 15/7/2023).
Như vậy, nếu thời điểm san lắp mặt bằng thu được khoáng sản đang áp dụng Nghị định 164/2016/NĐ-CP thì có đóng phí bảo vệ môi trường do khai thác khoáng sản tận thu theo điểm b khoản 1 Điều 7.
Trường hợp thời điểm san lấp mặt bằng đã chuyển qua áp dụng Nghị định 27/2023/NĐ-CP, nếu hoạt động thuộc đối tượng đóng phí theo Điều 4 mà không được miễn theo Điều 5 Nghị định 27/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp phải nộp phí bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu không thuộc đối tượng nộp phí hoặc được miễn phí thì không phải nộp.
Biểu mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP.
Biểu khung mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP |
Thu phí bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp san lấp mặt bằng có thu được khoán sản
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 4 Nghị định 27/2023/NĐ-CP, người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm:
(i) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản.
(ii) Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được phép khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí.
(iii) Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí.
Căn cứ Điều 5 Nghị định 27/2023/NĐ-CP, các trường hợp được miễn phí bao gồm:
(i) Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
(ii) Hoạt động khai thác đất, đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai.
Lưu ý: Trường hợp đất, đá khai thác vừa sử dụng cho san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai vừa sử dụng cho mục đích khác thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xác định khối lượng đất, đá thuộc đối tượng miễn phí; số lượng đất, đá sử dụng cho mục đích khác phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
(iii) Sử dụng đất đá bóc, đất đá thải từ quá trình khai thác để cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.