Dù giá vàng trên thị trường "bấn loạn" trước ngày vía Thần Tài nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua. Tuy nhiên, theo quan niệm của Trung Quốc, vàng lại không phải là thứ mang lại may mắn trong ngày này.
Ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết), giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 67 triệu đồng/lượng, bán ra 68 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 500.000 đồng mỗi lượng so với sáng hôm qua.
Đây cũng là mức giá được công ty PNJ, DOJI giao dịch trong sáng nay với vàng miếng SJC. Biên độ chênh lệch mua - bán tiếp tục duy trì ở quanh 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng đi xuống, khi được các doanh nghiệp giao dịch quanh 55 triệu đồng/lượng mua vào, 56,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước giảm mạnh được xem là khá bất ngờ. Bởi thông thường các năm, giá vàng chỉ giảm mạnh sau ngày Thần Tài khi nhu cầu sụt giảm. Còn năm nay, giá vàng được đẩy lên cao từ trước Tết do nhu cầu mua vàng lấy may gia tăng.
Việc giá vàng giảm trở lại ngay sát ngày Thần Tài được cho là do ảnh hưởng của giá thế giới, cũng như nhiều người dân chủ động bán vàng kiếm lời khi giá còn ở mức cao.
Cuối ngày 29/1 (tức mùng 8 Tết), giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 67,2 triệu đồng/lượng, bán ra 68,2 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng giảm tới 400.000 đồng về 55,2 triệu đồng/lượng mua vào và 56,3 triệu đồng/lượng bán ra. Đây là diễn biến giảm khá bất ngờ của giá vàng trong nước trước ngày Thần Tài (mùng 10 tháng giêng). Dù vậy, nhu cầu giao dịch vàng trên thị trường bắt đầu sôi động.
Ghi nhận tại các hiệu vàng ở Hà Nội và TPHCM đều nhộn nhịp khách hàng đang giao dịch. Người dân tập trung mua các sản phẩm vàng liên quan đến năm Quý Mão, vàng nhẫn và nữ trang vàng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhận định sức mua vàng nhẫn vào ngày Thần Tài rất lớn nên những ngày gần đây tiệm đã đẩy mạnh chế tác loại vàng này để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo phân tích trên Vietnamnet, diễn biến giá vàng trong những năm gần đây cho thấy, giá loại kim loại quý này tăng theo từng năm. Vào ngày vía Thần Tài hàng năm, giá vàng thường tăng và neo ở mức cao. Song, ngay sau vía Thần Tài một ngày, giá vàng phần lớn có xu hướng giảm mạnh.
Do đó, việc người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ vào ngày này theo các chuyên gia là không nên.
Bà Bùi Hồng Tâm, đại diện một doanh nghiệp vàng phong thủy ở Đống Đa (Hà Nội), trước đó cho biết, vàng là kim loại có giá trị tích trữ, trao đổi. Vào ngày vía Thần Tài, người dân đổ xô đi mua vàng, nhưng mua vàng ngày này không phải để trao đổi về kinh tế mà dùng để cầu may.
Khách hàng thường mua một lượng vàng rất nhỏ, chỉ từ 0,5-3 chỉ là nhiều. Rất ít khách hàng mua với số lượng lên tới cả lượng vàng. Bởi vậy, đa phần người mua không quan tâm tới giá vàng tăng hay giảm vài chục nghìn đồng/chỉ so với ngày trước và sau vía Thần Tài.
Bà Tâm khuyên, mua vàng để lấy may thì mọi người nên có một khoản ngân sách phù hợp, từ vài trăm cho tới vài triệu đồng tùy khả năng kinh tế của mỗi người. Không nên bỏ quá nhiều tiền để mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài.
Một chuyên gia văn hoá cũng lưu ý, mua vàng cầu may dịp vía Thần Tài là nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, quan niệm ngày vía Thần Tài xuất phát từ Trung Quốc lại không liên quan đến mua vàng. Ngày này người ta chỉ cúng bánh bao cho Thần Tài, đốt pháo hoa cầu may. Nếu coi việc mua vàng có tính chất cầu may vào ngày vía Thần Tài thì chỉ mua một lượng nhỏ vì giá vàng ngày này thường tăng cao. Còn nếu mua tích sản thì nên chọn thời điểm khác, giá phù hợp hơn.