Theo quy định của pháp luật thì những sở sản xuất nào được áp dụng phương thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì?
Căn cứ khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu như sau:
(i) Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
(ii) Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản (i) nêu trên được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây:
- Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì.
- Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
(iii) Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản (i) nêu trên phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hằng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp quy định tại gạch đầu dòng thứ hai khoản (ii) nêu trên.
(iv) Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại gạch đầu dòng thứ hai khoản (ii) phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.
- Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại khoản (i) nêu trên.
- Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm được áp dụng phương thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Cơ sở sản xuất được áp dụng phương thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm:
(i) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;
(ii) Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
(iii) Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
(Khoản 3 Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
Căn cứ Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định về hoạt động ký quỹ bảo vệ môi trường như sau:
(i) Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản (ii) dưới đây.
(ii) Tổ chức, cá nhân có hoạt động dưới đây phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường:
- Khai thác khoáng sản.
- Chôn lấp chất thải.
- Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
(iii) Việc ký quỹ bảo vệ môi trường được thực hiện bằng tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật.
(iv) Tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ như sau:
- Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản và chôn lấp chất thải thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
- Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại gạch đầu dòng thứ ba khoản (ii) Mục này thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc tổ chức tài chính, tín dụng theo quy định của pháp luật.