PLBĐ - Đồng nhiễm sốt xuất huyết, biến chứng hậu COVID-19, nam sinh 15 tuổi đã thoát chết ngoạn mục trước bão Cytokine. Vậy cơn bão Cytokine là gì mà có thể khiến cho người bệnh trở nặng, gặp biến chứng nguy hiểm?
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bé P.N.V.H. (15 tuổi, quê Đồng Tháp) mắc phải hội chứng cơn bão Cytokine.
Qua quá trình khai thác bệnh sử cho thấy, H. chỉ xuất hiện triệu chứng sốt 2 ngày liên tục, nổi mề đay và đã từng nhập viện điều trị COVID-19 vào tháng 12/2021.
Tại khoa Nhiễm, H. có tình trạng sốt cao liên tục và được truyền dịch điện giải theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, bệnh nhân đã rơi vào nguy kịch sau đó với các triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, sốt cao khó hạ, mạch nhanh. Bệnh nhân đã nhanh chóng được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực sau 4 ngày điều trị tại khoa Nhiễm.
Theo Zing.vn, bác sĩ chuyên khoa II Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã nhanh chóng ổn định hô hấp, huyết động cho bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ để loại bỏ cơn bão Cytokine đang tiến triển dồn dập.
Thao tác lọc máu giúp bệnh nhân giảm phản ứng viêm, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Song song lọc máu, nam sinh H. được điều trị nhiễm trùng tích cực, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, Globulin huyết thanh miễn dịch phù hợp để giải quyết tình trạng đồng nhiễm nhiều tác nhân (siêu vi dengue, vi trùng) và phản ứng viêm liên quan SARS-CoV-2. Sau hơn 15 ngày được hồi sức tích cực, bệnh nhân đã tiến triển ngày một ổn định, nét mặt tươi tắn và phục hồi các chức năng sống.
Hiện tại, các y bác sĩ khoa Nhiễm và khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, vẫn đang điều trị cho nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, trong đó có nhiều bệnh nhi trẻ và không có bệnh lý nền. Trường hợp của bệnh nhân H. là một trong những ca nhiễm trùng huyết nặng - sốc nhiễm trùng đầu tiên được áp dụng lọc máu hấp phụ Cytokine tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Cơn bão Cytokine là gì?
Cơn bão Cytokine thời gian gần đây phổ biến nhiều trong sinh bệnh học của COVID-19. Đây là thuật ngữ mô tả tình trạng nhiễm trùng nặng, đáp ứng miễn dịch thái quá của cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Phản ứng này vô tình tạo ra lượng lớn các chất trung gian viêm, kích hoạt đông máu, tổn thương đa tạng và có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
Sốt xuất huyết, nhiễm trùng và biến chứng viêm của hậu COVID-19 gây ra phản ứng viêm rất mạnh và tạo nên cơn bão Cytokine. Hội chứng cơn bão Cytokine sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, suy gan thận, não, rối loạn đông máu nặng nề.
Với những bệnh nhân bị cơn bão Cytokine tàn phá như vậy thì thở oxy, kể cả thở oxy dòng cao hay thở máy cũng đều không thể hấp thu được và sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Cách duy nhất có thể cứu được bệnh nhân lúc này là chạy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc hấp phụ Cytokine để giảm tổn thương cơ quan do chất trung gian viêm cơ thể tạo ra.
Sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn khi từng nhiễm COVID-19
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, theo chu kỳ bùng phát 4 năm một lần thì rất có thể sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch trong năm 2022. Nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 là rất lớn.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã chia sẻ: "Có nhiều trường hợp trẻ nhiễm COVID-19 giờ mắc thêm sốt xuất huyết sau khi xét nghiệm cho thấy trẻ có phản ứng viêm tăng rất nhiều so với những trẻ chưa từng nhiễm COVID-19.
Cho tới nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về những trường hợp này nhưng chúng tôi nhận thấy trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ mắc sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19. Từ đó có thể thấy COVID-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết".
"Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Khi viêm đa hệ thống hậu COVID-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân", bác Tiến chia sẻ thêm.
Các chuyên gia cảnh báo, những người có thể trạng béo phì, tiểu đường, tim mạch... tỷ lệ mắc hậu COVID-19 và đi kèm sốt xuất huyết dengue nên đến cơ sở khám chữa bệnh để được theo dõi và làm xét nghiệm cần thiết.
Đối với trẻ em, phụ huynh cần theo dõi tới các trẻ đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như: sốt cao, nôn, chảy máu mũi, tiêu chảy, mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.
T.H (th)