Dưới đây là nội dung trả lời về những lưu ý về thời gian khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển cũng như điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng trong kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024.
Còn bao nhiêu ngày nữa được chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024? (Hình từ internet)
Tại Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH ngày 26/4/2024, để thống nhất triển khai nhiệm vụ và tiến độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thí sinh lưu ý việc đăng ký và xử lý nguyện vọng với thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 như sau:
- Từ ngày 18/7 đến 17 giờ 00 ngày 30/7/2024:
Thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
- Từ ngày 31/7 đến 17 giờ 00 ngày 6/8/2024:
Thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, chỉ còn 6 ngày nữa, các thí sinh sẽ được chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng, từ ngày 18/7/2024 đến 17h00 ngày 30/7/2024. Sau khi đăng ký nguyện vọng, các thí sinh nộp lệ phí xét tuyển nguyện vọng từ ngày 31/7/2024 đến 17h00 ngày 06/8/2024.
Theo Kế hoạch chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Phụ lục I kèm theo Công văn 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22/03/2024 thì thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ vào lúc 8 giờ 00 ngày 17/7/2024.
Trong trường hợp thí sinh tiến hành phúc khảo bài thi thì thời gian thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo từ ngày 17/7 đến hết ngày 26/7/2024.
- Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, xem, sửa,) thông tin của thí sinh trên Hệ thống;
- Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Nội dung hướng dẫn đăng tải tại Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia);
- Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất), đồng thời thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển (Hướng dẫn chi tiết các bước đăng ký được đăng tải trên Hệ thống khi thí sinh truy cập vào để đăng ký);
- Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào cơ sở đào tạo được xử lý trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển;
- Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, nếu đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định.
Gợi ý cách sắp xếp nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển ngành yêu thích
*Ngành yêu thích đặt ở nguyện vọng đầu
Thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng ngành/trường đã lựa chọn theo mức độ yêu thích của bản thân.
Khi xét tuyển nguyện vọng đợt 1, hệ thống lọc điểm của Bộ GD&ĐT sẽ xét điểm theo thứ tự từ trên xuống, căn cứ vào điểm chuẩn các trường công bố. Nếu nguyện vọng 1 thí sinh đã trúng tuyển vào trường mình đăng ký thì các nguyện vọng 2, 3, 4… lúc này sẽ "vô hiệu". Chỉ khi nào nguyện vọng 1 này không trúng thì mới xét tuyển tiếp đến các nguyện vọng sau.
Vì vậy, việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng là rất quan trọng. Tránh trường hợp chọn sai ngay từ nguyện vọng 1 khiến thí sinh mất cơ hội trúng tuyển do chọn trường có điểm chuẩn quá cao so với năng lực hoặc trúng tuyển nhưng không ưng ý (do chọn trường có điểm chuẩn thấp để an tâm đỗ, trong khi năng lực và kết quả thi đủ để xét tuyển vào những trường tốt hơn).
*Rải nguyện vọng cách đều điểm mục tiêu và phải có ít nhất 1 nguyện vọng "cứu cánh"
Một lời khuyên cho các thí sinh đó là hãy lấy mức điểm mục tiêu (điểm thi dự kiến của mình) làm điểm chuẩn, và rải các nguyện vọng quanh mức điểm này, chênh lệch khoảng 0,5 đến 1 điểm để tăng khả năng đỗ của mình. Ví dụ: Nếu mức điểm dự kiến của em là 24, hãy rải các nguyện vọng trong cùng từ 21.5 tới 26.5 điểm, trong đó NV1 là 26.5 điểm. NV2 là 26 điểm,… Đây là khoảng cách an toàn đủ để các bạn “cầu may” cũng như đề phòng mọi rủi ro.
Để đảm bảo an toàn, thí sinh nên đăng ký thêm cả những ngành học có thể mình ít yêu thích hơn nhưng sát, thậm chí thấp hơn hẳn so với năng lực của mình để tăng cơ hội trúng tuyển. Những nguyện vọng dự phòng này thường được xếp sau cùng (NV4, NV5…), nhằm đảm bảo trong trường hợp xấu nhất là thí sinh không đỗ những nguyện vọng ưu tiên (NV1, NV2, NV3) thì vẫn có khả năng trúng tuyển vào đại học bằng nguyện vọng "cứu cánh".
* Phải dựa trên phổ điểm thi và điểm chuẩn các năm trước
Ngoài những nguyên tắc đặt nguyện vọng nêu trên, chú ý rằng nguyện vọng của thí sinh cần đáp ứng mục tiêu việc làm trong tương lai . Điểm thi của thí sinh cũng phải có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng đã lựa chọn.
Đồng thời, thí sinh cần tham chiếu điểm chuẩn ngành/trường học bản thân lựa chọn trong 2 - 3 năm gần nhất để quyết định sắp xếp nguyện vọng yêu thích và nguyện vọng có cơ hội trúng tuyển.
Lê Nguyễn Anh Hào