Chưa rõ động thái đầu tư mua trụ sở và kho cho các chi nhánh của Rạng Đông hiện tại có liên quan đến hoạt động tái thiết sau vụ hoả hoạn xảy ra tại nhà máy công ty này hồi cuối tháng 8 hay không.
Nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) tại Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa xảy ra hoả hoạn không lâu. Sau vụ cháy lớn, mọi con mắt đều đổ dồn về dàn lãnh đạo để dõi theo việc ứng phó, xử lý đối với những thiệt hại của doanh nghiệp này.
Trong một thông báo vừa phát hành ngày 12/9, Rạng Đông cho biết hội đồng quản trị công ty này đã quyết định phê chuẩn đề xuất mua nhà làm trụ sở làm việc, kho cho hai chi nhánh bằng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của công ty.
Danh sách các chi nhánh được đầu tư mua nhà làm trụ sở văn phòng làm việc, kho của chi nhánh gồm: Chi nhánh Biên Hòa (lô đất xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Chi nhánh Tây Nguyên (thửa đất số 11 tờ bản đồ số 8 phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk).
Ban lãnh đạo Rạng Đông dự toán sẽ chi 42 tỷ đồng để mua nhà làm trụ sở văn phòng làm việc cho hai chi nhánh kể trên.
Chưa rõ động thái đầu tư mua trụ sở và kho cho các chi nhánh của Rạng Đông hiện tại có liên quan đến hoạt động tái thiết sau vụ hoả hoạn xảy ra tại nhà máy công ty này hồi cuối tháng 8 hay không?!
Ở một diễn biến khác, tại văn bản hoả tốc mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông, ông Nguyễn Đức Chung đã Công an thành phố Hà Nội “khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ”.
Tuy nhiên, một thông tin gây bất ngờ là theo phản ánh của nhiều đơn vị báo chí gần đây, trong văn bản của Sở Kế hoạch – đầu tư gửi Công ty Rạng Đông vào tháng 8/2018 cho biết: Đầu năm 2018 Ban Cán sự Đảng UBND TP đã có báo cáo trình Thành uỷ về việc thực hiện lập danh mục xác định tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành.
Trong tổng hợp khu đất số 87-89 Hạ Đình không nằm trong danh mục đã báo cáo. Như vậy, trong lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành đến năm 2020 của TP Hà Nội thì nhà máy Rạng Đông không nằm trong diện phải di dời.
Liên quan đến nội dung này, phía Rạng Đông vẫn chưa có thông tin chính thức nào gửi nhà đầu tư, cổ đông và công chúng quan tâm.
(Theo Mai Chi/Dân trí)