Công ty tuyển người mới vào vị trí của lao động nghỉ thai sản thì có được thay đổi công việc khi họ trở lại làm việc?

05/09/2024 18:02

Công ty tuyển người mới vào thay vị trí của lao động nghỉ thai sản thì có được thay đổi công việc cũ khi người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản?

1. Công ty tuyển người mới vào vị trí của lao động nghỉ thai sản thì có được thay đổi công việc khi họ trở lại làm việc?

Căn cứ theo Điều 140 Bộ luật Lao động 2019 thì lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản (i), khoàn (iii) và khoản (v) Mục 2 dưới đây mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Như vậy, trường hợp người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản tháng mà vị trí công việc cũ đã có người thay thế nên công ty có trách nhiệm phải bố trí việc làm khác với mức lương không được thấp hơn mức lương mà người lao động được hưởng trước khi nghỉ thai sản. Do đó, đây có thể là trường hợp thay đổi công việc sau khi nghỉ thai sản nhưng quyền lợi và mức lương của công việc mới không được thấp hơn so với công việc cũ.

Bộ luật Lao động và văn bản còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024)

nghỉ thai sản

Giải đáp câu hỏi: Công ty tuyển người mới vào vị trí của lao động nghỉ thai sản thì có được thay đổi công việc khi họ trở lại làm việc (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Chế độ ghỉ thai sản của người lao động được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, quy định về chế độ nghỉ thai sản như sau:

(i) Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

(ii) Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(iii) Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản (i) Mục này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

(iv) Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản (i) Mục này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(v) Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Lao động nữ mang thai có quyền tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai được quy định như sau:

(i) Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

(ii) Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, trong trường hợp có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì lao động nữ mang thai có quyền tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp.

Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý là phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời gian tạm hoãn hợp đồng do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh chỉ định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công ty tuyển người mới vào vị trí của lao động nghỉ thai sản thì có được thay đổi công việc khi họ trở lại làm việc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO