Với quan điểm có mặt ở trần gian giống như một nhiệm kỳ công tác nên bà Lê Thị Bích Hường đã tìm mua "nơi yên nghỉ" ngay khi bản thân đang rất khỏe mạnh. Thậm chí, bà còn yêu cầu các con, họ hàng phải thực hiện nhiều "không" trong lễ tang của mình.
Đó là câu chuyện của bà Lê Thị Bích Hường (SN 1948, ở Hà Nội).
Mặc dù đã bước sang tuổi 77 nhưng từ tờ mờ sáng những ngày chạm Tết Thanh minh, bà Hường vẫn tự tin một mình cầm lái xe ô tô, di chuyển gần 100km từ Hà Nội lên Hòa Bình để hoàn thiện những hạnh mục cuối cùng cho "ngôi nhà" của chính mình.
"Ngôi nhà" của bà Hường là một khu mộ phần nằm trong khuôn viên công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên nhưng bà Hường khẳng định, nơi đây không phải là nghĩa trang, mà sẽ là "cảnh tiên", là "thiên đường", là "tư gia" ấm cúng nhất sau khi yên nghỉ.
"Tư gia" ấy được bà Hường chăm chút tỉ mẩn, kỹ lưỡng và mọi chi tiết phải được xây dựng "đúng ý" theo cách đặc biệt nhất của bà Hường.
Trước thềm Tết Thanh minh, bà Lê Thị Bích Hường đã có dịp chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) về hành trình tìm mua mộ phần cho chính mình ngay khi bản thân đang rất khỏe mạnh.
Bà Hường tiết lộ, bản thân đã mua mộ phần cho mình từ 15 năm trước. Suy nghĩ kỳ lạ này của bà Hường nhen nhóm từ năm 1992, khi bà chứng kiến mẹ cấp tập, xuôi ngược tìm mộ phần cho bố khi ông qua đời.
Cũng vì không muốn các con vất vả ngược xuôi tìm nơi an nghỉ cho mình và bản thân muốn được ở một khu mộ có hướng, được bài trí đúng ý, bà Hường đã quyết định mua nơi an nghỉ không quá gần Hà Nội.
Bà Hường cho biết, bà đã đi tìm và hỏi nhiều nghĩa trang về việc mua mộ phần cho bản thân nhưng thay vì được hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thì bà Hường chỉ nhận về những cái "lắc đầu", chỉ trỏ.
"Họ nói, chỉ khi mất đi rồi mới được mua đất ở nghĩa trang. Tôi thì luôn tự đặt câu hỏi rằng tại sao phải chờ đến khi mất mới đi mua đất ở nghĩa trang cho mình? Tôi luôn nghĩ, mỗi con người có mặt ở cuộc đời này, trên cõi trần này chỉ là một nhiệm kỳ công tác. Sau khi ra đi là một chuyến chuyển công tác sang thế giới bên kia, nên nhiều năm trước, tôi cứ mê mải với hành trình tìm mua mộ phần cho chính mình", bà Hường cho hay.
Vì quan điểm sự có mặt trên đời là một nhiệm kỳ công tác, nên ngay sau khi tìm mua được mộ phần cho chính mình, bà Lê Thị Bích Hường cũng đưa ra hàng loạt "quy tắc" cho các con trong ngày bà về với tổ tiên. Đó là: Không được ngày tiễn đưa là ngày tang lễ, mà đây chỉ là buổi lễ tiễn đưa về cõi tiên. Trong buổi tiễn đưa, bất kỳ ai cũng không được khóc; con cháu không được mặc áo xô trắng, không được nhận vòng hoa lễ; người đến đưa tiễn chỉ được tặng hoa lẵng với nhiều màu sắc bắt mắt.
Bà Hường cho biết: "Ngày nhỏ, tôi thích nghệ thuật, yêu đàn nhưng không có điều kiện theo học. Bởi vậy khi bước sang tuổi 67, tôi đã dày công học đàn. Tôi học đàn vì không muốn mọi người buồn và hơn hết, tôi muốn chuẩn bị một bản nhạc hoàn thiện để các con mở trong chính buổi đưa tiễn mình. Chắc chắn mọi người sẽ vui vẻ theo nguyện vọng của tôi".
Cũng vì sự cầu toàn của bản thân mà bà Hường đã tự mình viết bài thơ "Cõi tiên" và được một nhạc sỹ thân thiết phổ nhạc cho bài thơ của bà.
Ở ngưỡng tuổi "gần đất xa trời", dù đang rất khỏe mạnh nhưng bà Hường đã sẵn sàng cho ngày "trở về". Bởi bà Hường biết rằng: "Sẽ có một giấc ngủ sâu, một giấc ngủ chẳng bao giờ dậy".
Song, điều bà Hường mong mỏi là trong giấc ngủ sâu ấy, bà phải ngủ với tâm thế đẹp, chan hòa, nhẹ nhàng. Để làm được điều ấy, bà Hường cho biết, bản thân luôn giữ năng lượng tích cực bằng cách chăm chỉ tập thể dục, làm đẹp mỗi ngày và buông bỏ, tránh xa những điều tiêu cực.
"Quan điểm của tôi là phải sống vui vẻ ở tuổi già, khi tuổi già mình làm tròn nhiệm vụ cho các con các cháu. Chết là điều không tránh khỏi, vì thế chúng ta không phải sợ cái chết nhưng điều quan trọng là chúng ta đón nhận nó thế nào. Thậm chí không lấy đó là chuyện buồn", bà Hường cho hay.