Không có ai để bấu víu, bao nhiêu năm chỉ có một mình bà Hoa lụi cụi một mình đưa cháu đi viện. Số tiền đi vay được không đủ đóng viện phí nên những bữa cơm ăn bà phải “đi xin” để cầm cự cho qua ngày.
“Lâu lắm mới lại thấy bà Hoa đưa cháu lên viện. Ở khoa này, ai cũng biết hoàn cảnh của bà nên mọi người thương lắm! Chồng bị chất độc da cam, con bị thần kinh nên chỉ có mình bà chăm cháu thôi nhưng bà không có tiền nên lên viện bập bõm lắm”, đó là hững lời tâm sự của bác sĩ Dương Văn Tâm – Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, Viện Châm cứu TW về hoàn cảnh của bà cháu bé Nguyễn Phúc Kiệm khiến chúng tôi chạnh lòng.
Đến thăm hai bà cháu đúng giờ cơm trưa, mọi người trong phòng đã lục tục kéo nhau đi mua cơm hết. Trên giường bệnh, người bà tóc bạc trắng phau vẫn như đang đánh vật với cậu bé, lúc vật bên này, lúc vật bên kia. Ở cái tuổi đã xế chiều, cánh tay bà gân guốc nổi lên để gồng giữ cho cậu bé trong lúc co giật.
10 tuổi, Kiệm không có được hình hài bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, chân tay em khẳng khiu, co quắp và cứng đờ khiến bà rất vất vả để có thể giữ được. Gương mặt buồn, lặng lẽ, bà vừa cố sức ôm cháu, vừa kể chuyện.
“Ông nhà tôi là bộ đội đi chiến trường chống Mỹ cứu nước. Khi trở về bị chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động 81%. Con trai tôi (bố của cháu Kiệm) bị thần kinh hiện đang được hưởng phụ cấp, mẹ cháu là người bị khuyết tật nặng nên không làm được gì cả. Cháu Kiệm bị bệnh bao năm nay chỉ có mình tôi đi chăm thôi nhưng cực lắm cô ạ! Nhà chẳng có tiền để mà cho cháu đi thường xuyên”.
Cậu bé Nguyễn Phúc Kiệm 10 tuổi bị di chứng chất độc da cam, bại não thể co cứng.
Số tiền trợ cấp ít ỏi gia đình đang được hưởng, bà Hoa kể không đủ mua thuốc thang cho chồng, con trai và con dâu nên muốn cho cháu đến viện điều trị là không biết bám vào đâu. Không đành lòng nhìn cháu đau đớn, vật vã nên bà cứ đánh liều đi hỏi vay khắp nơi. Lần hỏi vay được cả triệu, lần chỉ có mấy trăm nghìn bà cũng cõng cháu đi như vậy.
Ở khoa ai cũng biết hoàn cảnh của hai bà cháu nên những bữa cơm thường ngày, mỗi người lại san sẻ cho bà một chút vì bà không có tiền mua. Ban đầu bà cũng xấu hổ, ngượng ngùng nhưng số tiền vay được ít ỏi quá, bà phải dành toàn bộ đóng tiền thuốc cho cháu, còn bản thân mình có cái ăn là tốt lắm rồi, chẳng dám đòi hỏi hay mong ước gì hơn.
Những lần vay mượn ai được ít tiền bà đều dành vào việc chăm lo cho cháu đi viện.
Thương hoàn cảnh của bà, bác sĩ Tâm cũng cho biết, với tình trạng hiện tại của Kiệm, nếu không được chữa trị kịp thời tính mạng của em cũng khó bảo toàn vì chân tay co rút, đau đớn và những cơn co giật thường xuyên hơn.
“Qua mấy đợt điều trị, châm cứu, cháu đã gọi được tên bác sĩ khiến chúng tôi rất xúc động. Như thế là tri giác cháu bắt đầu có nhận thức và tiến triển. Cháu không may mắn khi cả gia đình bị bệnh nhưng còn khả năng hồi phục dần dần nên về phía khoa cũng tha thiết, mong muốn được bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ”, Bác sĩ Tâm tha thiết.
Ở khoa ai cũng thương bà nên thường san sẻ cơm phần bà.
Trong phòng bệnh, bà Hoa vẫn đang cố sức để ôm chắc cháu cho khỏi ngã xuống giường. Bà bảo chẳng dám dời cháu được phút nào cả vì bận trước cháu ngã một lần, máu chảy ra từ miệng khiến bà hoảng sợ.
Đôi mắt ngân ngấn lệ, Kiệm nhìn bà như phần nào biết được hoàn cảnh thực tế của mình…Đã đến giờ ăn trưa mà bà cháu vẫn ngồi đó, chúng tôi chạy đi mua cho hộp sữa và chiếc bánh mì mềm. Cậu bé ngồi ăn ngon lành cùng những cơn co kéo liên tục. Nhìn cháu ăn, giọng bà nghẹn lại: “Mai này bà chết rồi, ai sẽ lo cho con đây. Bà thương con mà bà biết phải làm sao?”.
(Theo Dân trí)
https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/cu-ba-co-cuc-xin-an-tung-bua-cam-cu-nuoi-chau-bai-nao-trong-vien-20200220133204487.htm