Cục trẻ em lên tiếng vụ 2 ‘bảo mẫu’ đánh đập bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong

Linh Thùy 05/03/2023 21:50

Theo Cục Trẻ em, các cơ sở mầm non hoạt động không phép, không đủ điều kiện và không có camera thì rất có nguy cơ trẻ em bị bạo hành.

Liên quan đến vụ bé trai 17 tháng tuổi tử vong bất thường sau khi gửi tại một nhóm trông trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm (Thường Tín - Hà Nội), cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi) về tội Giết người .

Chia sẻ về sự việc đáng tiếc nói trên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, rất nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép.

"Cho nên bây giờ sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố phải rà soát lại, kiểm tra lại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không đăng ký, không được cấp phép để đình chỉ", ông Nam nói.

Cục trẻ em lên tiếng vụ 2 ‘bảo mẫu’ đánh đập bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong - Ảnh 2.

Ngôi nhà nơi Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành thuê để trông giữ trẻ không phép.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, về lâu dài thì xem xét lại quy hoạch các hạ tầng xã hội ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính vì thiếu hạ tầng xã hội trong đó có cơ sở mầm non cho nên người lao động, đặc biệt là những lao động nhập cư không biết gửi con ở đâu.

Họ đi làm thì buộc phải họ đưa con vào những cơ sở giáo dục không đảm bảo chất lượng và không phép dẫn đến vụ việc trẻ em bị bạo hành gây hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Như vậy, địa phương, Ban quản lý Các khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra và tạo điều kiện để chăm sóc con em của người lao động.

Cục trẻ em lên tiếng vụ 2 ‘bảo mẫu’ đánh đập bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong - Ảnh 3.

Bếp ăn ngay cạnh nhà vệ sinh.

Vấn đề tiếp theo được lãnh đạo Cục Trẻ em nêu ra là lỗ hổng kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em của các bậc làm cha mẹ. Theo cơ quan điều tra cung cấp ban đầu, báo chí phản ánh, rõ ràng em bé 17 tháng tuổi bị đánh trước đó nhiều ngày nhưng khi về nhà bố mẹ không phát hiện được, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa tự nói được. Cho nên, bố mẹ lại tiếp tục gửi bé đến cơ sở trông giữ trẻ đó, lại dẫn đến hành vi bạo hành tái diễn.

"Do vậy các cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ nuôi con nhỏ cần được tăng cường truyền thông giáo dục, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là vợ chồng trẻ đang "hổng" kiến thức về bảo vệ trẻ em", ông Nam nhấn mạnh.

Cục trẻ em lên tiếng vụ 2 ‘bảo mẫu’ đánh đập bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong - Ảnh 4.

Bên trong ngôi nhà rộng chừng 80m2, hàng ngày, 2 “bảo mẫu” này trông khoảng 10 trẻ nhỏ.

Người đứng đầu Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh, các cơ sở hoạt động không phép, không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động thì rất có nguy cơ cao trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non trông giữ trẻ. Vì thế, cần phải thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở trông giữ trẻ, chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ để đảm bảo các điều kiện; vì trẻ càng nhỏ thì không nói được, không có kỹ năng để bảo vệ.

Ngoài ra nên khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp camera để cha mẹ, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể theo dõi, phát hiện sự việc kịp thời.

Hai "bảo mẫu" thống nhất lời khai để đối phó vẫn không thoát tội

Nói về quá trình điều tra vụ bé trai 17 tuổi tử vong, Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, cơ sở trông trẻ của An và Lành là cơ sở tự phát, không đảm bảo, nhân chứng là các cháu bé chưa biết nói. Tuy nhiên, qua những vết thương trên người cháu bé, công an đã nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, cơ sở trông này trẻ không có hệ thống camera giám sát. Quá trình làm việc, công an không nhận được sự hợp tác từ phía gia đình.

Khi biết bệnh tình cháu bé nặng, hai cô giáo đã thống nhất lời khai, để đối phó công an. Để phá thành công vụ án này, điểm mấu chốt chính là quá trình ban đầu, nhận định về vụ án. Từ đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phá án…

Đối tượng Nguyễn Thị An.

Công an huyện Thường Tín lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Thị Lành.

"Khi triệu tập về trụ sở công an, Lành và An ngồi trên 2 xe ô tô khác nhau, nhưng lời khai đều trùng khớp nhau đến từng chi tiết. Khi ấy, tôi nhận định nếu bị ngã ra phía sau thì vết thương của cháu bé phải ở phần sau gáy, nếu rơi từ trên cao xuống thì vết thương phải ở phần đỉnh đầu nhưng nạn nhân lại bị tím ở sau tai, phù nề ở má.

Đó là những điểm bất thường, khiến tôi đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Từ đó, công an tập trung đấu tranh với hai đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, hai "bảo mẫu" đã thừa nhận hành vi bạo hành cháu bé trong nhiều ngày dẫn đến tử vong", Đại tá Nguyễn Tiến Tần chia sẻ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cục trẻ em lên tiếng vụ 2 ‘bảo mẫu’ đánh đập bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO