Cúm A/H5 lây sang người nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh

24/10/2022 11:17

PLBĐ - Sau hơn 8 năm, mới đây nước ta lại ghi nhận thêm 1 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5. Vậy căn bệnh này có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng ngừa?

Nguy cơ cúm gia cầm lây sang người cao

Nước ta vừa ghi nhận một bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ dương tính với cúm A/H5. Trước đó, ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.

Đến ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, sau đó nhập viện và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Đến khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với cúm A/H5. Hiện sau 2 tuần điều trị tích cực, bé gái đã dần bình phục.

Cúm A/H5 lây sang người nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Bé gái được các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đây là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5.

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận ở nhiều địa phương, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Cúm A/H5 nguy hiểm như thế nào?

Cúm A/H5 được gọi là cúm gia cầm, là bệnh nhiễm virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, gia cầm mà còn cả người và các động vật khác. Cúm A/H5 bao gồm 9 loại: H5N1, H5N2, H5N3, H5N4, H5N5, H5N6, H5N7, H5N8 và H5N9. Trong đó, H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến con người và động vật khác khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Cúm A/H5 lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5/, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người.

Người mắc cúm A(H5) có các biểu hiện: Sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Nếu kèm một số dấu hiệu này sẽ là cảnh báo nguy hiểm hơn: Sốt cao liên tục trên 38 độ C rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc, đau ngực, tim đập nhanh, đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm. Bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Vì vậy, sau khi ăn thịt gia cầm, nhất là gia cầm bệnh mà xuất hiện các triệu chứng trên, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám sớm nhất có thể. Ngoài ra, hãy khai báo cho bác sĩ biết việc ăn thịt gia cầm để giúp quá trình chẩn đoán bệnh diễn ra nhanh hơn.

Cách phòng ngừa cúm lây từ gia cầm sang người

Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:

Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.

Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cúm A/H5 lây sang người nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO