Cuộc đua xác thực sinh trắc học: Techcombank đã có hơn 2,6 triệu tài khoản xác thực thành công, Vietcombank cũng công bố con số bất ngờ

Lan Anh 16/07/2024 15:48

Các ngân hàng dẫn đầu việc áp dụng quy định sinh trắc học mới đây đã cập nhật kết quả.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 01/07/2024, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học bao gồm: Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản/chuyển tiền liên ngân hàng trong nước/nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Tại một Hội thảo ngày 11/7, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 10/7/2024, ngành ngân hàng đã xác thực sinh trắc học với dữ liệu dân cư (thông qua CCCD gắn chip và tài khoản VneID) được hơn 21,6 triệu khách hàng.

Các ngân hàng dẫn đầu việc áp dụng quy định sinh trắc học mới đây cũng đã cập nhật kết quả. Techcombank cho biết, sau 15 ngày QĐ 2345 có hiệu lực, khoảng 2,6 triệu khách hàng đã hoàn thành cập nhật sinh trắc học, chiếm đến hơn 90% tổng số lượng khách hàng thường xuyên có giao dịch trên 10 triệu đồng. Trong số này, có 2,3 triệu khách hàng hoàn thành cập nhật sinh trắc học thông qua Mobile App, và các khách hàng còn lại thực hiện thu thập dữ liệu tại quầy. Tỷ lệ khách hàng cập nhật thành công sinh trắc học tại Techcombank đạt tới 25,96%.

Trong khi đó, Vietcombank đang dẫn đầu về số lượng tài khoản thông tin sinh trắc học. Ngân hàng này cho biết tính đến 15/7/2024, Vietcombank đã có hơn 3 triệu khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thành công, trong đó có hơn 500.000 khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thông qua kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (phương thức hiện chỉ có duy nhất Vietcombank triển khai đến thời điểm hiện tại). Khách hàng chủ yếu thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học online trên ứng dụng VCB Digibank theo phương thức "quét" NFC hoặc kết nối App-to-App với ứng dụng VNeID. Lượng khách hàng cập nhật thông tin tại quầy (điểm giao dịch ngân hàng) chiếm gần 4% tổng số khách hàng đã đăng ký.

Cũng theo Vietcombank, từ ngày 01/7/2024 đến nay, đã có hơn 4 triệu giao dịch được xác thực bằng sinh trắc học (Facepay) theo quy định, bao gồm các loại giao dịch như: Chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch; chuyển tiền trên 20 triệu đông/ngày; thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ trên 100 triệu đồng/ngày; Kích hoạt lần đầu hoặc thay đổi điện thoại sử dụng VCB Digibank… Số lượng giao dịch được xác thực bằng Facepay chiếm khoảng 4% tổng số giao dịch tài chính xử lý trên VCB Digibank.

Nói về việc thực hiện QĐ 2345, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng gọi đây là "một chiến dịch lớn", bắt buộc phải làm với mục đích cuối cùng là bảo vệ khách hàng. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345 sẽ làm sạch tài khoản vì bây giờ có CCCD gắn chip, còn trước kia chúng ta có chứng minh thư và nhiều giấy tờ nên kẻ gian lợi dụng giấy tờ giả.

Về bảo mật giao dịch, giao dịch trên 10 triệu thêm một bước kiểm tra sinh trắc học, các bước còn lại như cũ. Như vậy chúng ta thêm một bước để bảo đảm trường hợp chính chủ. Theo Phó Thống đốc, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận tất cả khó khăn, vướng mắc của người dùng để tháo gỡ, xử lý. Đặc biệt ngành ngân hàng sẽ liên tục nâng cấp ứng dụng mobile banking để có thể đối phó với các thủ đoạn mới, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dùng.


Theo An ninh Tiền tệ
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc đua xác thực sinh trắc học: Techcombank đã có hơn 2,6 triệu tài khoản xác thực thành công, Vietcombank cũng công bố con số bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO