Sáng nay 29/7, phiên tòa xé xử cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo và các đơn vị liên quan bước sang ngày làm việc thứ 7.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án. Bị cáo Trịnh Văn Quyết , cựu Chủ tịch tập đoàn FLC đã thể hiện sự ăn năn hối hận, bị cáo xin HĐXX phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý để bị cáo và các bị cáo trong vụ án có cơ hội làm lại cuộc đời.
Mong có một bản án nhân văn, thấu tình đạt lý
Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, bị cáo Trịnh Văn Quyết phân trần: “Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, bị cáo luôn có những ước mơ, hoài bão là làm sao phát triển nhiều lĩnh vực, như khu nghỉ dưỡng, bất động sản và hàng không. Trên thực tế, bị cáo đã đạt được những thành quả nhất định, được cộng đồng, xã hội đánh giá cao, tạo ra được hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động”.
Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng ân hận khi có những việc làm của bản thân không được pháp luật cho phép, khiến nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp rơi vào vòng lao lý.
Tại tòa, bị cáo Quyết gửi lời xin lỗi đến tất cả anh, chị, em và tha thiết kính mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo bị liên đới, để họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình; đồng thời gửi lời xin lỗi tới tất cả bị hại.
Cuối lời, bị cáo Trịnh Văn Quyết kính mong HĐXX phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý để bị cáo và các bị cáo trong vụ án có cơ hội làm lại cuộc đời.
Về phần mình, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) cho biết anh trai là người mà mình rất kính trọng, anh là niềm tự hào của gia đình. Tại phiên tòa, anh Quyết đã xin cho mọi người, xin chịu trách nhiệm nên bị cáo không biết nói gì hơn, chỉ mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh có cơ hội làm lại cuộc đời.
“Trước tòa, bị cáo thành thật xin lỗi các anh, chị, em, các cháu và những đồng nghiệp”, bị cáo Huế bày tỏ sự ân hận khi việc làm của mình đã làm ảnh hưởng tới nhiều người, đồng thời mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, có cơ hội được chăm sóc người thân.
Một chuỗi hành vi cố ý
Tại phần tranh luận trước đó, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Quyết cho rằng chỉ có cơ sở xác định 133 nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống là bị hại của vụ án; không có cơ sở xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại.
Về quan điểm này, theo đại diện Viện kiểm sát các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng. Đây được xác định là bị hại của vụ án là hoàn toàn có căn cứ.
Tuy nhiên, Sau khi các luật sư của bị cáo Quyết trình bày, cơ quan công tố đã rà soát và thấy có trường hợp trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đề cập. Đến nay, có hơn 25.000 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.800 tỷ đồng.
VKS cũng khẳng định: “Việc xác định lại số bị hại, không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả, điều tra truy tố của cơ quan tố tụng”.
Tại phiên tòa này, một lần nữa đại diện Viện kiểm sát khẳng định bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán với số tiền đặc biệt lớn. Các bị cáo còn lại đã giúp sức tích cực hoặc tạo điều kiện để bị cáo Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi phạm tội.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định nếu thiếu đi hành vi liên quan đến quá trình hình thành cổ phiếu ROS của bất kỳ bị cáo nào trong vụ án này, thì Trịnh Văn Quyết không thể niêm yết, không thể bán hơn 391 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư; và bị cáo Quyết không thể thu được hơn 4.800 tỷ đồng, cũng không thể chiếm đoạt được hơn 3.600 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo phân tích của Viện kiểm sát, các bị cáo đã ký các hồ sơ, thủ tục cho chủ trương tăng vốn, báo cáo tài chính, ủy nhiệm chi chuyển tiền cho các tổ chức và cá nhân vay vốn của Faros không dựa trên cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của công ty; không thực hiện theo luật doanh nghiệp… là trái quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát cũng khẳng định đây là một chuỗi hành vi cố ý, bắt đầu từ việc nâng vốn góp khống đến cuối cùng là bán cổ phiếu ROS, chiếm đoạt tiền. Hành vi của bị cáo trước là tiền đề, là điều kiện để các bị cáo sau thực hiện hành vi phạm tội; và ngược lại, hành vi của bị cáo sau là sự tiếp nối, là kết quả của hành vi do bị cáo trước đã thực hiện.