Từng kiếm được vài tỷ mỗi năm nhưng hiện tại người đàn ông U60 này đang chật vật với cuộc sống vì thất nghiệp, nộp CV mà không công ty nào gọi.
Khi giám đốc bất ngờ bị sa thải
Sinh ra trong một gia đình bình thường, Sean Tetpon (55 tuổi, Mỹ) là người đầu tiên trong gia đình có bằng cử nhân về truyền thông công chúng từ Đại học Idaho. Sau khi tốt nghiệp, ông thực tập tại IBM (một tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ) rồi thành nhân viên chính thức và dần dần gây dựng sự nghiệp trong suốt 15 năm để đạt được mức lương 6 con số (hơn 2,4 tỷ đồng) tại đây. Ông trở thành giám đốc truyền thông toàn cầu của IBM và từng nhảy việc vài lần sang các công ty khác với vị trí tương đương. Mặc dù có mức lương cao, cuộc sống của ông không hề suôn sẻ về tài chính, khi một trong năm người con của ông mắc bệnh tim nghiêm trọng, khiến gia đình phải gánh chịu chi phí y tế lớn.
Sau khi bị sa thải lần đầu tiên vào năm 2019, Tetpon phải làm lái xe công nghệ để kiếm sống và làm việc tự do trong khi tìm kiếm việc làm. Thời điểm đó ông chỉ kiếm được khoảng 3.000 USD/tháng. Dù đã tìm được việc mới vào năm 2021, ông lại bị sa thải vào tháng 9 năm 2023. Từ đó, ông đã nộp hơn 1.000 đơn xin việc, mỗi lần nộp đơn mất gần 1 giờ, và tìm kiếm việc làm đã trở thành công việc toàn thời gian của ông.
Mặc dù vậy, trong số hàng nghìn đơn đã nộp, Tetpon chỉ có khoảng 30 cuộc phỏng vấn và tiến vào vòng cuối cùng cho 3 vị trí. Ông đã cố gắng điều chỉnh sơ yếu lý lịch và thư xin việc cho từng vị trí để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhưng không khả quan.
"Khi các báo cáo việc làm được công bố với những con số khả quan, chúng không phản ánh đúng thực tế của thị trường lao động cho nhân viên văn phòng trong năm qua. Các công ty ở Mỹ vẫn liên tục cắt giảm nhân sự, và tôi nhận thấy rằng ở những vị trí tôi nộp đơn, có rất nhiều ứng viên giỏi cạnh tranh cho một số lượng việc làm rất hạn chế", Tetpon chia sẻ.
Ông Sean Tetpon
Khó khăn chồng chất
Thất nghiệp liên miên đã đẩy tình hình tài chính của gia đình Tetpon vào tình trạng nguy hiểm. Để tiết kiệm chi phí, ông đã chuyển đến sống cùng mẹ vợ. Vợ ông hiện là sinh viên công nghệ y khoa toàn thời gian với mức thu nhập ít ỏi. Gia đình ông đã phải hủy nhiều gói dịch vụ, mua thực phẩm giá rẻ nhất với chi phí khoảng 130 USD/tuần và cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
Hiện Tetpon vẫn còn khoản nợ học phí và nợ thẻ tín dụng, vì vậy ông đang cân nhắc đến việc nộp đơn phá sản như một giải pháp tạm thời. Ông nói rằng bản thân chỉ còn 10% khoản tiền tiết kiệm ban đầu trong quỹ hưu trí và lo rằng mình có thể phải làm việc suốt quãng đời còn lại.
"Thật đáng sợ. Tôi đã chuẩn bị cho việc nghỉ hưu từ lâu, nhưng giờ đây, khi đã tiêu hết tiền tiết kiệm do bị sa thải, tôi lo lắng liệu mình có thể nghỉ hưu được không," Tetpon nói.
Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm
Tetpon nhận ra rằng có ba lý do chính khiến ông gặp khó khăn trong việc tìm việc làm.
Thứ nhất, ngành truyền thông doanh nghiệp cạnh tranh rất khốc liệt. Ngay cả những công ty nhỏ trả lương thấp hơn thì cũng có hàng trăm người nộp đơn và phải rất may mắn mới có được một cuộc phỏng vấn.
Mỗi vị trí mà Tetpon nộp đơn đều có hàng trăm người ứng tuyển, khiến ông cảm thấy nản lòng. “Ban đầu tôi rất lo lắng khi thấy hàng trăm người nộp đơn cho cùng một công việc, nhưng dù sao tôi vẫn cố gắng, vì bạn không bao giờ biết trước được kết quả. Giống như chơi xổ số vậy,” ông nói.
Thứ hai, ông cho rằng nhiều công ty lo lắng về nền kinh tế và các cuộc bầu cử sắp tới, khiến quá trình tuyển dụng trở nên khắt khe hơn.
Thứ ba, ông tin rằng vấn đề tuổi tác cũng là một yếu tố khiến các công ty có xu hướng ưu tiên những ứng viên trẻ hơn. Tetpon cho biết: "Nhiều công ty nhìn vào người như tôi, với 25 năm kinh nghiệm và mức lương cao, rồi so sánh với những người trẻ hơn, thậm chí có thể vừa tốt nghiệp, và có thể chấp nhận mức lương thấp hơn rất nhiều".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Tetpon vẫn không từ bỏ. Ông đã tùy chỉnh sơ yếu lý lịch của mình theo từng vị trí và tích cực kết nối với đồng nghiệp cũ để tìm kiếm cơ hội mới.
Tetpon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi và duy trì sức khỏe tinh thần trong quá trình tìm việc. Ông tin rằng kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích cho những người khác. "Tôi muốn mang đến cho những người tìm việc hy vọng, bởi dù thị trường ngoài kia rất khó khăn, chúng ta không thể bỏ cuộc. Tôi tin rằng cuối cùng cơ hội sẽ đến, và tôi vẫn chưa từ bỏ," ông chia sẻ.