Sáng 28/3, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có 44.278 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố của giai đoạn 1, trong đó riêng Hải Dương tiêm nhiều nhất với trên 17.300 người.
Tính đến 16 giờ ngày 27/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 44.278 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Chi tiết 44.278 người được tiêm tại 19 tỉnh/TP trong các ngày từ 08-27/3/2021 như sau:
- Tỉnh Hải Dương: 17.308 người
- TP. Hà Nội: 7.584 người
- TP. Hải Phòng: 1.121 người
- Tỉnh Hưng Yên: 2.752 người
- Tỉnh Bắc Ninh: 2.869 người
- Tỉnh Bắc Giang: 3.137 người
- Tỉnh Hòa Bình: 1.670 người
- Tỉnh Hà Giang: 1.078 người
- Tỉnh Điện Biên: 858 người
- TP. Đà Nẵng: 117 người
- Tỉnh Khánh Hòa: 105 người
- Tỉnh Gia Lai: 1.513 người
- TP. Hồ Chí Minh: 1.405 người
- Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: 87 người
- Tỉnh Bình Dương: 1.854 người
- Tỉnh Long An: 244 người
- Tỉnh Quảng Ninh: 10 người
- Tỉnh Đồng Tháp: 286 người
- Tỉnh Tây Ninh: 280 người
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19
Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, thông tin với 700 điểm cầu tại hội nghị tập huấn trên toàn hệ thống cơ sở khám chữa bệnh cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay có hơn 250 loại vắc xin COVID-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu.
“Cuộc chạy đua vắc xin và thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu, có gần 30 nước mua quá nhu cầu so với nhu cầu thực tế của người dân, có những nước mua tới 400%. Nhiều nước ngay từ đầu năm 2020 đã đặt hàng mua rủi ro, cứ có vắc xin là tiếp cận”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu thực trạng.
Đối với việc tiếp cận vắc xin COVID-19 của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam.
Bộ Y tế, Cục Quản lý dược có hai văn bản gửi các đơn vị, gửi các đại sứ tăng cường tiếp cận tăng cường nguồn vắc xin dồi dào cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như nước ta. Việt Nam không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.
Lô vắc xin COVID-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Ficility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam.
Về lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao.
“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh với vấn đề này. Trên quan điểm xử lý cao hơn một mức, nên có một số trường hợp tiêm chủng vắc xin ở nước ta mặc dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng đã xử lý ngay. Hội đồng chuyên môn qua đó đánh giá thực chất mức độ phản ứng như thế nào. Hội đồng chuyên môn đang làm và Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm. Chúng tôi hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm.
Những địa phương còn dè dặt cần phải triển khai ngay, theo dõi chặt các trường hợp đã tiêm chủng vắc xin. Hiện không có bất kỳ trường hợp đông máu nào có phản ứng nặng. Bệnh viện Bạch Mai có rà soát kỹ lưỡng, chưa có trường hợp nào bị đông máu”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Thái Bình/Sức khỏe và Đời sống