PLBĐ - Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã tăng cường số lượng xe cũng như nhân viên cấp cứu để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu xảy ra khi bão Noru đổ bộ gây thiệt hại cho người dân.
Chiều tối ngày 27/9, ông Trần Công Thông – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cho biết, Trung tâm đã tăng cường lực lượng cấp cứu để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất khi bão Noru đổ bộ vào đất liền.
Theo ông Thông, tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn thiện và sẵn sàng ứng phó với bão số 4 để đảm bảo nhiệm vụ cấp cứu trong bão và sao bão.
"Hiện Trung tâm có 19 xe cấp cứu đã đưa vào "trực chiến". Ngoài 10 kíp trực thường quy (tổng số 30 y, bác sĩ), chúng tôi tăng cường thêm 5 kíp trực chống bão nữa là 15 kíp trực (45 người) đang có mặt tại 7 trạm cấp cứu trên khắp địa bàn TP. Đà Nẵng. Tại Trung tâm cũng đang mở cửa để người dân phường Hòa Minh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đến tránh, trú bão" - ông Thông nói.
Về cơ số thuốc chuẩn bị cho công tác cấp cứu từ chủng loại đến số lượng, ông Thông cho hay, đều đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Cùng ngày, Sở Y tế Đà Nẵng đã công bố số điện thoại của các đơn vị cấp cứu phục vụ ứng phó bão Noru. Người dân gặp nạn do mưa bão hoặc các tình huống phát sinh trong mưa bão thì có liên hệ qua các số điện thoại này để nhân viên y tế kịp thời hỗ trợ.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng – cơ sở khám, chữa bệnh lớn nhất của TP, theo thống kê sơ bộ thì có 2.200 bệnh nhân đang tiến hành điều trị nội trú. Công tác phòng chống bão Noru ở bệnh viện đã được kích hoạt ở mức cao nhất.
Theo đó, bệnh viện đã lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu điều trị người bệnh. Đồng thời, phân công các y, bác sĩ trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo việc cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện cũng hỗ trợ suất ăn miễn phí cho các đối tượng khó khăn đang điều trị tại đây trong thời gian xảy ra bão số 4.
Theo ghi nhận thực tế vào chiều tối ngày 27/9, tại khu vực Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện các đợt mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Chính quyền địa phương đã có yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà sau 20h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Đà Nẵng. Lo sợ trước thông tin cơn bão số 4 sẽ gây mất điện trên diện rộng nên trong chiều tối cùng ngày, nhiều người dân đã tiến hành dự trữ lương thực, thiết bị chiếu sáng…
Anh Trần Thanh Lâm (người dân ở phường Mân Thái, Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cho biết: "Là dân miền Trung, từng đối mặt với nhiều cơn bão trước đây nhưng khi nghe thông tin về cường độ cũng như sức tàn phá của bão Noru thì gia đình tôi cũng rất lo lắng. Ngoài việc dữ trữ một ít thực phẩm thì tôi phải tranh thủ thời gian mua ít dây thép, cọc gỗ về chằng chống nhà cửa. Cầu mong cơn bão sẽ giảm cấp và ít gây ra nhiều thiệt hại cho người dân".
Đến 17h15 ngày 27/9, lực lượng công an TP. Đà Nẵng vẫn tiếp tục hỗ trợ, di dời người dân ở các vùng trũng thấp, khu vực ven biển, những khu nhà tạm… ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại khu vực xã Hòa Bắc, một trong những địa phương có đông người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Cơ Tư) của TP. Đà Nẵng, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương để di dời bà con nhân dân ở hai thôn Tà Lang - Giàn Bí lên trú tránh bão số 4 ở các trường học, nhà kiên cố gần đó.
Tại các điểm sơ tán, chính quyền xã Hòa Bắc cùng công an địa phương và Công an huyện Hòa Vang đã bố trí chỗ ngủ, nghỉ, lương thực, thực phẩm cho người dân yên tâm trong những ngày trú tránh bão.
Ngoài ra, lực lượng công an ở các địa phương vùng ven biển như Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... cũng đang tích cực vận động, hỗ trợ người dân ở các khu nhà tạm, nhà cấp 4 đến nơi trú tránh an toàn.