Da nứt nẻ vì hanh khô, bác sĩ bày cách xử lý

27/12/2023 11:47

Vào mùa đông, không ít người gặp phải tình trạng da nứt nẻ, khô ráp gây ngứa ngáy thậm chí là đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ.

Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia nhằm giúp bạn phòng tránh hiện tượng khô da và kích ứng.

Tiến sĩ Brittany Craiglow, phó giáo sư về da liễu tại khoa Y, trường đại học Yale cho biết nhiệm vụ chính của làn da là giữ an toàn cho cả trong lẫn ngoài.

Làn da được coi là hàng rào lipid, bao gồm các hợp chất béo, giúp ngăn ngừa vi trùng và chất độc xâm nhập vào cơ thể bạn, đồng thời ngăn chặn quá trình hydrat hóa thoát ra khỏi cơ thể.

Khi nhiệt độ giảm, không khí trở nên khô hơn - cả trong nhà lẫn ngoài trời - và hơi ẩm bị hút ra khỏi hàng rào lipid. Khi lượng nước được cung cấp ít hơn, quá trình luân chuyển của các tế bào da bị suy giảm và chúng bắt đầu kết tụ lại với nhau, gây ra hiện tượng da khô, bong tróc hoặc thậm chí có vảy.

Tiến sĩ Jeffrey Weinberg, giáo sư lâm sàng về da liễu tại trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, cho biết một số người dễ bị khô da hơn khi thời tiết lạnh trở lại, đặc biệt là người lớn tuổi và những người mắc bệnh chàm. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể xảy ra với bất cứ ai.

Ngay cả khi tình trạng da khô không thực sự làm phiền bạn, thì việc điều trị cũng rất quan trọng nhằm ngăn ngừa ngứa, chàm, bùng phát bệnh vẩy nến cũng như khả năng nhiễm trùng da.

Tiến sĩ Dina Strachan, trợ lý giáo sư lâm sàng tại trường Y Grossman và bác sĩ da liễu ở thành phố New York, nói: “Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh chàm nếu da quá khô.”

Ngoài việc gây khó chịu, bệnh chàm còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của bạn.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh chàm từ trung bình đến nặng (được định nghĩa là bao phủ 10% bề mặt da trở lên) có thể liên quan đến việc tăng mức độ viêm trong máu, khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và chứng mất trí nhớ cao hơn.

Tiến sĩ Emma Guttman-Yassky, giáo sư da liễu và miễn dịch học tại trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, người đã tiến hành nghiên cứu về chủ đề này, cho biết việc điều trị các trường hợp bệnh chàm nghiêm trọng cũng làm giảm tình trạng viêm. “Nếu bạn chỉ bị chàm nhẹ ở chỗ này chỗ kia, bạn không nên lo lắng”, Emma nói.

Tiến sĩ Craiglow cho biết, để giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh và thoải mái trong suốt mùa lạnh, bạn nên thay đổi chế độ chăm sóc da ngay bây giờ.

Điều chỉnh thói quen chăm sóc da

Da nứt nẻ vì hanh khô, bác sĩ bày cách xử lý - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho biết tắm nước nóng trong thời gian dài có thể làm mất đi lớp dầu trên da của bạn, vì vậy bạn nên chuyển sang tắm nước nóng trong thời gian ngắn hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng xà phòng hoặc sữa tắm không có mùi thơm. Tiến sĩ Craiglow cho rằng tắm nước nóng vào mùa đông nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng hãy hết sức lưu ý nếu bạn đang bị bệnh chàm bùng phát hoặc da của bạn quá khô.

Sau khi tắm xong, hãy dưỡng ẩm cho mặt và cơ thể khi da vẫn còn ẩm.

Khi chọn kem dưỡng ẩm cho mặt và cơ thể, hãy chọn loại lành tính nhất có thể.

Tuyệt đối nên tránh hương liệu và chất bảo quản như paraben hoặc methylisothiazolinone, những chất có thể gây kích ứng khiến da khô hơn.

Tiêu chuẩn vàng cho việc dưỡng ẩm là một sản phẩm đậm đặc, có khả năng tạo ra rào cản vật lý để khóa nước. Tiến sĩ Weinberg cho biết: “Kem dưỡng ẩm luôn tốt hơn thuốc mỡ”.

Dù bạn chọn loại dưỡng ẩm nào, hãy sử dụng nó thường xuyên - sau khi tắm và bất cứ khi nào bạn cảm thấy da bị khô.

Hãy đeo găng tay khi ra ngoài và nhớ dưỡng ẩm sau khi rửa. Tiến sĩ Weinberg cho biết: “Nếu bạn rửa tay nhiều lần trong ngày và sử dụng chất khử trùng tay, da bạn sẽ bị kích ứng khiến tay bị đỏ, khô, bong tróc”.

Các yếu tố khác ảnh hướng đến làn da

Da nứt nẻ vì hanh khô, bác sĩ bày cách xử lý - Ảnh 2.

Tiến sĩ Weinberg cho biết, máy tạo độ ẩm có thể giúp giảm sự mất độ ẩm mà da gặp phải khi ở môi trường trong nhà, đặc biệt đối với những người sống trong các tòa nhà chung cư có nhiệt độ rất khô.

Hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ nước và bổ sung chất béo tốt trong chế độ ăn uống, như bơ, quả óc chó và dầu ô liu, giúp hỗ trợ hàng rào lipid khỏe mạnh.

Tiến sĩ Weinberg cho biết, thông thường, sự kết hợp giữa vệ sinh da đúng cách và kem bôi có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Trường hợp làn da của bạn khiến bạn mất ngủ vào ban đêm vì liên tục gãi, trong khi kem dưỡng ẩm không có tác dụng, thì bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu vì bạn có thể cần kê đơn thuốc để giải quyết vấn đề đó.


Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/da-nut-ne-vi-hanh-kho-bac-si-bay-cach-xu-ly-post666332.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/da-nut-ne-vi-hanh-kho-bac-si-bay-cach-xu-ly-post666332.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Da nứt nẻ vì hanh khô, bác sĩ bày cách xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO