Tất cả người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và đã nhập dữ liệu lên hệ thống sẽ được cấp hộ chiếu vaccine. Hộ chiếu vaccine về mặt kỹ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn hệ thông sẽ tự động tạo mã QR mới.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine bản chất là chứng nhận tiêm vaccine điện tử.
Trên chứng nhận này bao gồm 11 thông tin, đầy đủ các thông tin của người tiêm chủng gồm... Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
"Bản chất của hộ chiếu vaccine điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là chúng ta sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài"- Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế Nguyễn Bá Hùng giải thích.
Theo đó, mỗi người dân đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và đã được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống sẽ được cấp hộ chiếu vaccine với thông tin tương ứng với số mũi tiêm.
Hộ chiếu vaccine sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc trang tra cứu của Bộ Y tế (dự kiến công bố vào tuần tới). Hộ chiếu vaccine về mặt kỹ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn trên hệ thông sẽ tự động tạo mã QR mới.
Ông Bá Hùng cũng cho biết, từ ngày 30/3/2022, Bộ Y tế đã thực hiện cấp "Hộ chiếu vaccine" cho hơn 1.000 đối tượng tiêm tại Bệnh viện Bạch Mai, trong tuần tới, sẽ thực hiện cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân.
Trước băn khoăn về việc người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng hiện vẫn chưa có thông tin trên hệ thống, ông Hùng cho hay: Người dân cần gửi phản ánh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia để được cập nhật dữ liệu hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật. Nếu không có dữ liệu trên hệ thống, sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine.
Riêng trường hợp mất giấy xác nhận tiêm chủng nhưng trên hệ thống đã được cập nhật thông tin thì không ảnh hưởng gì đến việc cấp hộ chiếu vaccine. Vì vậy người dân không cần làm thủ tục gì để được cấp hộ chiếu vaccine.
Về băn khoăn với những người không sử dụng hoặc không có khả năng sử dụng smart phone thì hộ chiếu vaccine sẽ được cấp ra sao khi đi ra nước ngoài? Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế cho biết, Bộ Y tế hiện đang phối hợp với các đơn vị xây dựng trang thông tin cho phép người dân tra cứu hộ chiếu vaccine và sẽ công bố trong tuần tới. Người dân có thể in ra giấy để sử dụng.
Cũng có ý kiến bày tỏ lo lắng về việc đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19, đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, nhưng do 2 cơ sở tiêm chủng khác nhau thì có được cấp hộ chiếu vaccine không? Ông Hùng nêu rõ: Các cơ sở tiêm chủng sẽ có trách nhiệm ký chứng nhận các mũi tiêm do cơ sở thực hiện tiêm. Cục Y tế dự phòng thực hiện ký số tập trung gộp các mũi tiêm và người dân sẽ nhận được mã QR mà không phải làm gì thêm.
Hiện nay còn khoảng gần 80 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 sai thông tin về căn cước công dân hoặc chưa được nhập lên hệ thống, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để rà soát, xác minh và nhập bổ sung các thông tin.
Qua rà soát, kiểm tra hiện nay việc này các tỉnh chưa thực hiện xong, do vậy những người dân sai thông tin sẽ không cấp được hộ chiếu vaccine.
Hệ thống chỉ cấp hộ chiếu vaccine cho những người dân được xác thực thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với người dân đã tiêm vaccine nếu chưa được cập nhật dữ liệu thông tin trên hệ thống cần liên hệ với cơ sở tiêm hoặc thực hiện phản ánh thông tin trên cổng thông tin. Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở xử lý phản ánh của người dân để đảm bảo quyền lợi của người dân.
"Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo khi đi tiêm chủng, người dân khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin để đảm bảo quyền lợi liên quan đến việc cấp chứng nhận giấy cũng như là cấp chứng nhận điện tử"- ông Hùng lưu ý.
Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến chiều ngày 1/4, cả nước đã tiêm 206.338.198 liều vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 99%, và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 99% và 2 mũi là 94%.
Tính đến ngày 17/3/2022, Việt Nam đã đạt được thoả thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Australia, Cộng hoà Belarus, Cộng hoà Ấn Độ, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Philippines, Cộng hoà Maldives, Nhà nước Palestine, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hoà Arab Ai Cập, CHXHCNDC Sri Lanka, New Zealand, Cộng hoà Singapore, Cộng hoà Saint Lucia và Hàn Quốc.
Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Theo Thái Bình/SK&ĐS