Người dân huyện miền núi thể hiện sự hiếu khách bằng việc ngụp lặn dưới suối bắt ốc rồi đích thân vào bếp, chiêu đãi khách phương xa bằng thứ đặc sản hiếm nơi nào có được.
Những ngày này, dòng người tứ xứ đổ về huyện miền núi miền biên Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để tham gia Lễ hội rằm tháng ba. Người dân Minh Hóa có câu "Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...". Lễ hội rằm tháng ba từ lâu đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa, trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc trưng riêng của vùng quê miền Tây Quảng Bình.
Tại Lễ hội Rằm tháng ba Minh Hóa có nhiều sản vật của bà con các xã trên địa bàn, trong đó món cơm bồi (pồi) và ốc đực được xem là món ăn đặc trưng nhất của người Minh Hoá.
Công phu làm món ngon vùng cao
Chị Đinh Thị Khuyên, cán bộ phụ nữ xã Xuân Hoá, huyện Minh Hóa cho biết, nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt ngô và củ sắn tươi. Ngô sau khi được phơi khô đem ngâm vào nước nóng 2 đến 3 tiếng rồi vớt ra để ráo nước. Sau đó ngô được giã kỹ rồi sàng nhiều lần để lấy phần bột mịn nhất.
Cùng với việc chuẩn bị ngô, người ta bóc vỏ sắn, nạo thành sợi rồi đem ép bớt nước. Sắn được trộn cùng bột ngô và giã thật mịn. Bột ngô và sắn giã mịn được đem vào nghè hông (một dạng hấp) cho đến khi chín. Canh lúc vừa chín tới, người ta đưa cơm bồi ra khỏi hông và dùng dao cắt nhỏ từng lát để ăn.
Để cảm nhận đủ vị ngon của món cơm bồi thì phải có thêm ốc đực. Cơm bồi, ốc đực là những món ăn mang bản sắc riêng của người Minh Hóa và đi vào ca dao: Trôông cho mâu tiếng mùa pồi/Nhớ con ôốc tực tang ngồi trên mâm (Trông cho mau đến mùa bồi/Nhớ con ốc đực đang ngồi trên mâm). Cơm bồi, ốc đực trở thành đặc sản để người Minh Hóa chiêu đãi khách phương xa.
"Món cơm bồi được người Minh Hóa dùng ăn với món ốc đực bắt ở suối và cà lào ở rừng… Cơm bồi là món ăn và tập quán ẩm thực đặc trưng của người dân Minh Hoá", chị Đinh Thị Khuyên chia sẻ.
Ngụp lặn tìm món ngon dân dã
Con ốc đực sinh trưởng nhiều ở Minh Hóa, tập trung ở các khe suối các xã Thượng Hóa, Trọng Hóa và Trung Hóa. Từ sáng sớm, hai chị em Thái Thị Hoa (trú thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa) tất tả chuẩn bị "đồ nghề" để đi bắt ốc ở khe Rinh. Dụng cụ ở đây là một chiếc kính lặn, giỏ tre được treo trước ngực.
Hoa kể, từ đầu tháng 2 âm lịch đến giờ, gần như ngày nào hai chị em cũng lăn ở khe Rinh để bắt ốc. "Cứ đến mùa là chúng em lại ra khe Rinh tìm bắt con ốc đực. Vì ốc chỗ này ngon, bán được giá, kiếm thêm được thu nhập cho gia đình", chị Thái Thị Hoa chia sẻ.
Để bắt được ốc đực phải hiểu được tập tính của con vật này. Ốc đực thường sống ở các khe nước sạch, chảy thường xuyên. Người ta chỉ bắt được ốc vào ban đêm khi chúng đi kiếm ăn hoặc giữa trưa nắng khi ốc ngoi khỏi bùn để thở. Nhìn từ trên bờ, mỗi lần ngụp xuống nước khoảng 30 giây rồi Hoa lại ngoi lên mặt nước với bàn tay nắm đầy những con ốc đực thuôn dài.
Chị Đinh Thị Kim Liên (thôn Bình Minh, xã Trung Hóa) là một thợ lặn bắt ốc đực "có số má" ở Minh Hóa. Chị cho biết, trong năm qua đã bắt được hàng trăm kg ốc đực. Mến khách phương xa, chị Liên dẫn về nhà rồi chế biến món ăn từ ốc theo cách rất riêng để thiết đãi.
"Ốc đực sống ở khe nước chảy nên khi bắt về chỉ cần ngâm khoảng 2h là sạch, không còn mùi bùn. Nếu khách thích ăn theo kiểu "nhà quê", thì mình luộc, thả ít lá chanh vào rồi khuấy đều, căn đủ độ chín là vớt ra ngay. Còn nếu sành ăn, thích màu mè luộc rồi lấy thịt ốc đem rang me, đem nướng hoặc nấu sả ớt. Nói chung là có rất nhiều cách làm, nhưng để thẩm được cái vị béo ngậy ăn luộc vẫn là tuyệt nhất', chị Liên cho biết.
Minh Hóa không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp mà còn lưu giữ nhiều nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú hiếm nơi nào có được. Món ốc đực, cơm bồi là những món ngon mang bản sắc riêng của đất và người nơi đây.