Từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11, khi tiết trời se lạnh cũng là thời điểm củ niễng ở Nam Định vào mùa thu hoạch, người nội trợ thi nhau tìm mua về chế biến nhiều món ngon “tốn cơm”.
Củ niễng là một bộ phận của cây niễng (hay còn gọi lúa bắp) – loại cây sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất trũng, ven ao hồ hay nơi bùn lầy ngập nước.
Chúng được tìm thấy nhiều ở một số tỉnh thành miền Bắc như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương. Tuy nhiên, niễng ở Nam Trực (Nam Định) được nhận xét là ngon và phổ biến hơn.
Theo người dân địa phương, mùa thu hoạch niễng kéo dài hơn 1 tháng, độ cuối thu đầu đông (khoảng từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11 dương lịch). Lúc này, bà con đi thu hái niễng về bán.
Niễng được cắt sát gốc, bỏ bớt phần lá phía trên và chỉ giữ lại phần củ phình to, trông như cái chày.
Niễng non sẽ có ruột trắng, còn niễng để già sẽ xuất hiện các đốm đen. Ảnh: Phan Hồng Sơn
Thoạt nhìn, củ niễng có vẻ ngoài rất giống củ sả nhưng kích thước to và sáng màu hơn. Sau khi tách hết lớp vỏ, người ta thu được phần củ niễng trắng nõn, đem chế biến thành nhiều món ngon.
Chị Phạm Toan (ở Nam Trực, Nam Định) cho biết, người địa phương thường trồng niễng từ tháng 2 âm lịch và thu hoạch sau 7-9 tháng.
“Niễng trồng suốt 3 mùa mới cho thu hoạch nhưng chỉ thu hái được trong khoảng 3-4 tuần là hết. Đầu mùa, củ trắng từ trong ra ngoài nhưng càng về cuối mùa thì củ càng xuất hiện nhiều chấm đen li ti, ăn xơ hơn và giảm vị ngọt tự nhiên”, chị Toan nói.
Củ niễng chỉ có theo mùa, từ tháng 10 đến tháng 11. Ảnh: Phạm Thu Hà
Theo chị, củ niễng có thể ăn sống hoặc nấu chín và cách chế biến cũng đơn giản. Niễng sau khi bóc hết lớp vỏ bên ngoài chỉ cần rửa sạch rồi thái thành các lát mỏng vừa ăn.
Người Nam Định thường xào niễng với thịt bò, thịt lợn nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất vẫn là món niễng xào trứng. Củ niễng sau khi thái lát mỏng thì đem xào ở lửa vừa, gần chín thì cho thêm trứng, rau thơm và nêm nếm tùy ý.
Những thực khách từng thưởng thức củ niễng nhận xét, loại củ này có độ giòn sần sật và vị ngọt thanh tự nhiên khi ăn sống, khá giống cây bồn bồn ở miền Tây. Còn khi nấu chín, niễng lại có độ bở bùi, đậm đà.
“Niễng được thu hoạch vào thời điểm trời se lạnh nên thích hợp để chế biến thành các món xào nóng hổi, ăn kèm cơm trắng rất ngon”, chị Toan chia sẻ thêm.
Niễng xào thịt bò. Ảnh: Hường Nguyễn
Tại các chợ địa phương, niễng được bán theo bó hoặc theo cân với giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Còn tại Hà Nội, giá niễng cao hơn (do cộng chi phí vận chuyển, nhân công, mặt bằng,…), khoảng 40.000 – 60.000 đồng/bó 10 củ (tùy nơi và thời điểm).
Không chỉ là nguyên liệu làm nên nhiều món ngon với hương vị hấp dẫn, củ niễng còn có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe.
Theo Đông y, củ niễng vị ngọt, tính mát, có tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch và tăng huyết áp, giúp thanh nhiệt, giải độc, góp phần chữa bệnh tiểu đường,…
Theo VietNamnet