Trong đại án đăng kiểm, nhiều luật sư bào chữa đã thống nhất với VKS về tội danh nhưng cho rằng mức đề nghị là quá nghiêm khắc.
Ngày 12-8, phiên tòa đại án đăng kiểm tiếp tục phần bào chữa của luật sư (LS), bị cáo thuộc nhóm trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-05V và 50-06V, trực thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam.
Phần lớn các LS bào chữa thống nhất với đại diện VKSND TP.HCM về tội danh truy tố nhưng cho rằng mức đề nghị là quá nghiêm khắc và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Đăng kiểm viên nói không có chủ trương nhận hối lộ
Bào chữa cho bị cáo Ngô Đăng Hoàng (đăng kiểm viên TTĐK 50-05V, bị đề nghị 14-15 năm tù về tội nhận hối lộ), LS đề nghị HĐXX xem xét lại tình tiết phạm tội có tổ chức mà VKS đã truy tố.
Theo LS, bị cáo này chỉ là đăng kiểm viên trong chuyền, phụ trách công đoạn trong chuyền đăng kiểm theo thủ tục hành chính; không chủ động tham gia bàn bạc về chủ trương hay thống nhất việc nhận tiền hối lộ và phân chia tiền hưởng lợi.
Cạnh đó, hành vi phạm tội của bị cáo cũng không có sự cấu kết chặt chẽ vì mỗi bị cáo phụ trách một công đoạn trong chuyền kiểm định và độc lập với các công đoạn khác.
Các bị cáo tại trung tâm đăng kiểm khối V - trực thuộc Cục đăng kiểm. Ảnh: HOÀNG GIANG
LS nêu ra một số điểm đặc thù của vụ án để HĐXX xem xét như: Tính răn đe, phòng ngừa tội phạm đã được thể hiện rất rõ khi hiện nay các chủ phương tiện đi đăng kiểm không phải lo lắng hay bỏ tiền để được bỏ qua lỗi nhỏ, các đăng kiểm viên cũng không dám nhận tiền. Tiền nhận hối lộ trong vụ án này mà các bị cáo là đăng kiểm viên nhận chỉ đủ để chi tiêu trong gia đình và tài sản nhà nước cũng không bị thiệt hại…
Từ đó, LS đề nghị HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo khi lượng hình.
Luật sư bào chữa bị cáo Nguyễn Hoàng Khải (đăng kiểm viên, bị đề nghị 12-13 năm tù về tội nhận hối lộ) trình bày, bị cáo Khải làm việc từ tháng 12-2019 đến tháng 11-2022 trong khi hành vi phạm tội đã diễn ra từ trước và bị cáo Khải không thể đi ngược lại guồng máy của đơn vị.
Theo LS, bị cáo Khải chỉ có vai trò làm công ăn lương, phụ thuộc trong việc nhận hối của chi nhánh và đề nghị VKS xem xét lại khung hình phạt đối với bị cáo này.
Cựu giám đốc TTĐK 50-06V xin giảm nhẹ hình phạt
Theo cáo buộc, từ ngày 1-8-2016, bị cáo Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm làm Giám đốc TTĐK 50-06V. Bị cáo Long đã cùng ban giám đốc trung tâm thống nhất chủ trương và chỉ đạo các trưởng chuyền, đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đến đăng kiểm.
Từ đó, bị cáo Long phải chịu trách nhiệm chung số tiền nhận hối lộ tại trung tâm là hơn 18,8 tỉ đồng, thu lợi bất chính gần 1,2 tỉ đồng và làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 221 bộ hồ sơ xe cải tạo.
Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Long 23 - 26 năm tù về 3 tội danh nhận hối lộ; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Tự bào chữa, bị cáo Long trình bày đã nhận thức được hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Cựu giám đốc TTĐK 50-06V mong HĐXX sẽ cân nhắc thêm các tình tiết giảm nhẹ và giảm đi tình tiết tăng nặng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cũng tại TTĐK 50-06V, bị cáo Nguyễn Văn Sang (đăng kiểm viên bậc cao - trưởng chuyền) bị VKS đề nghị 15-17 năm về tội nhận hối lộ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Luật sư bào chữa không có ý kiến về tội danh nhưng cho rằng về hình phạt đối với bị cáo Sang là quá nghiêm khắc.
Đối với tội nhận hối lộ, bị cáo Sang hoàn toàn bị động, làm việc theo chỉ đạo, mệnh lệnh chủ trương của Cục trưởng và Ban Giám đốc Trung tâm mà không có sự lựa chọn. LS đề nghị HĐXX xem xét vai trò, động cơ phụ thuộc và không chủ đích của bị cáo để xem xét hình phạt.
Đại diện VKSND TP.HCM tại phiên tòa đại án đăng kiểm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đối với hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khi thực hiện nghiệm thu cải tạo miễn thiết kế đối với các phương tiện, LS cho rằng, bị cáo Sang không phải người chủ mưu, người khởi xướng, phân công. Bị cáo Sang thực hiện trên cơ sở phân công và bàn giao hồ sơ từ cấp lãnh đạo và đã tin tưởng, làm theo mệnh lệnh cấp trên.
LS cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền mà bị cáo đã hưởng lợi hơn 360 triệu đồng. Vì trong thời gian làm từ 1-8-2018 đến 1-5-2022, ngoài thời gian 4 tháng dịch COVID-19 đã được trừ ra, bị cáo Sang còn nghỉ lễ, tết, nghỉ phép… nhưng chưa được ghi nhận.
Cạnh đó, LS cũng trình bày, bị cáo Sang có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp khắc phục số tiền hơn 211 triệu đồng; gia đình có công với cách mạng và có đơn tự thú trước cơ quan điều tra…