Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định "không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập", việc xây dựng các cơ chế, chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua là thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành.
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với nhóm vấn đề thứ nhất, sáng 21/8, "Tư lệnh" ngành Công thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận được nhiều câu hỏi liên quan giá điện, chính sách thu mua điện năng lượng mặt trời dôi dư...
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương nêu chất vấn.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện trong năm 2022 và năm 2023. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp điều hành giá điện một cách tốt nhất thời gian tới? Cho rằng, việc tính giá điện như hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, nhất là mức thuế 10% VAT, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương lý giải? ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) chất vấn giải pháp tạo điều kiện cho các hộ gia đình được bán lại nguồn điện năng lượng mặt trời dôi dư để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm tiêu thụ nguồn điện quốc gia?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập. Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước vấn đề này có 3 chức năng cơ bản là: lập quy hoạch, kế hoạch; cơ chế, chính sách và thanh tra, kiểm tra; và chúng tôi tự thấy rằng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua là thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.
Theo ông, hiện EVN là đơn vị duy nhất là có chức năng là mua bán điện và cung ứng điện bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thì phải mua với cơ chế thị trường, nhưng đầu ra phải bảo đảm bình ổn giá, bởi vì giá điện có liên quan, tác động rất lớn đến các ngành sản xuất khác. Về cơ chế điều hành như thế nào để EVN không bị lỗ trong tương lai, Bộ trưởng cho biết, ngành Công thương đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội kỳ họp tháng 10, theo hướng xóa bù chéo giữa các cái đối tượng, giữa các khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, phải tính đúng, tính đủ, tính hết các giá thành hiện nay, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm khách quan...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, Chính phủ vừa có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về trực thuộc Bộ Công Thương, điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ vận hành hệ thống điện. Đồng thời Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn; sắp ban hành nghị định về khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái… những biện pháp này từng bước làm thị trường điện hoàn hảo hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.
"Chia lửa" tại phiên chất vấn liên quan việc giảm thuế VAT đối với giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, việc giảm thuế để giải quyết một lĩnh vực có biến động lớn về giá là không hợp lý. Thời gian qua, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh (giảm 200 ngàn tỷ đồng). Liên quan đến điện bậc thang, điện sinh hoạt, đã có quy định hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách; áp dụng điện bậc thang đối với hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện.
Trả lời ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo đó, để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Bộ nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dôi dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật...
ĐBQH Dương Văn Phước chất vấn.
Trước thực tế mà ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề cập về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận chuyện này "hoàn toàn chính xác", bởi cán bộ quản lý thị trường hoạt động đơn tuyến, từng người trên từng vị trí. Ngành Công thương đã chỉ đạo thường xuyên có sự luân chuyển địa bàn công tác của các cán bộ phụ trách địa bàn; quy trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm thì sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ tiếp tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những hiện tượng vi phạm. "Thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã yêu cầu xử lý rất nhiều trường hợp, kể cả cán bộ quản lý cấp đội cho đến cấp cục", ông nói. Bộ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và phối hợp với các lực lượng trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này...