Đắk Lắk: Ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Krông Pắk

Hồng Ngọc (t/h) 09/11/2022 17:20

PLBĐ – Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Krông Pắk.

Đây là trường hợp thứ 3 mắc Whitmore tại tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân là chị B.T.H, sinh năm 1982, trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Bệnh nhân cho biết, ngày 10/10, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội nên nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe lá lách nên được tiến hành phẫu thuật điều trị.

Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân vẫn tiếp tục đau bụng không khỏi nên ngày 31/10, bệnh nhân nhập viện khám lại. Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2 và được đưa vào điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

photo-1667989115383

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. (ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi trùng có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei gây ra, bệnh có thể gây loét và hoại tử nên bệnh còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc Whitmore, Khoa Truyền nhiễm phối hợp với Khoa Ngoại tích cực điều trị cho bệnh nhân. Dự kiến bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị 4 tuần tại bệnh viện, nếu hồi phục tốt, bệnh nhân sẽ được cho về nhà tiếp tục điều trị duy trì trong vòng 3 tháng.

Sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, ngành y tế Đắk Lắk đã triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Được biết, Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm khuẩn cực kì nguy hiểm, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại trong đất và nước bị ô nhiễm, có thể gây bệnh cho người và động vật. Đây là bệnh lý nguy hiểm với tỉ lệ tử vong lên tới 40%, biến chứng bệnh nặng và có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời.

Con đường lây nhiễm phổ biến nhất là thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước và đất bị ô nhiễm khi có vết thương hở qua da. Ngoài ra, việc hít phải các giọt nước hoặc hạt bụi chứa vi khuẩn, uống nguồn nước bị ô nhiễm cũng khiến con người và động vật bị Whitmore.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đắk Lắk: Ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Krông Pắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO