Ngoài việc tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn với rất nhiều chương trình khuyến mại, năm nay, ngành công thương Hà Nội huy động các sàn thương mại điện tử vào cuộc đưa hàng Tết tới người dân.
Ngày 13/12, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp sản xuất tăng thêm các mặt hàng Tết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm để ngăn chặn hiện tượng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá hàng hóa, năm nay, ngành công thương thành phố tăng cường thêm nhiều kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tận tay từng người tiêu dùng.
Cụ thể, cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đề tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 Trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn)…
Ngoài ra, sẽ có hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; Tổ chức các chợ hoa xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo bà Oanh, nguồn cung trực tiếp giới thiệu hàng hóa tại các tỉnh là hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng. Song, ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các tỉnh sẽ được hỗ trợ tổ chức các điểm bán sản phẩm tại Hà Nội và tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn với nhiều chương trình khuyến mại.
Bà Oanh cũng cho biết, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, hàng hóa phục vụ Tết cũng sẽ được triển khai bán hàng trên các hệ thống kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.
Năm nay, ngành công thương Hà Nội huy động các sàn thương mại điện tử vào cuộc đưa hàng Tết tới người dân.
Như vậy, các hoạt động cung ứng hàng hóa, tổ chức chương trình giảm giá kích cầu dịp cuối năm của các sàn thương mại điện tử, website đang phát huy lợi ích của kênh phân phối trực tuyến từ đó giảm tải cho kênh mua sắm truyền thống.
Đồng thời, tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu trong thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) về đa dạng kênh phân phối hàng hóa, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp truyền thống, năm nay, mỗi siêu thị Co.op Mart tại Hà Nội đều có phòng "marketing online" nhằm tập trung đẩy mạnh kênh bán hàng trên môi trường mạng, bao gồm: Fanpage, tiktok, shoppe, đơn hàng đặt trên ứng dụng Co.op mart…
"Chỉ cần người dân đặt hàng qua online, hàng hóa sẽ được vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng. Đơn cử như người tiêu dùng ở Hà Nội đặt hàng tại Cà Mau, thì nhân viên Co.op mart Cà Mau sẽ đưa hàng đến tận nhà cho người nhận", bà Dung cho hay.
Không chịu thua kém hệ thống siêu thị WinMart, Go! BigC, MM Mega Market cho thấy những siêu thị này cũng triển khai dịch vụ đặt hàng qua APP, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu.
Đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày…
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, hiện khả năng tự cung ứng của Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 20-70% nhu cầu. Lượng hàng thiếu được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dữ trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…