Đánh thuế căn nhà thứ 2: Lo đánh nhầm đối tượng, không đảm bảo công bằng xã hội

Nam Anh 07/10/2024 13:49

Theo các chuyên gia, đánh thuế từ bất động sản thứ hai là một điều cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng. Vì đối với đa số người dân Việt Nam ngôi nhà vẫn là một tài sản lớn, thậm chí là gia tài mà cả một đời người mới tích lũy được.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 được đưa ra. Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết, TP HCM đề xuất thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình (gọi tắt là nhà, đất thứ 2 trở lên) trên địa bàn TP HCM.

Góp ý về đề xuất thí điểm tại TPHCM, Bộ Tài chính thời điểm đó cũng cho biết việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở thứ 2 sẽ điều tiết mạnh đối với tổ chức, cá nhân có nhiều nhà, đất. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị nhà ở, đất ở có sự chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế đối với nhà, đất ở thứ 2 thì sẽ có trường hợp nhà, đất có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế và nhà, đất có giá trị lớn lại không thuộc đối tượng chịu thuế.

Hoặc trường hợp người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 nhà ở, đất ở đều có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế. "Điều này không đảm bảo công bằng xã hội, không đáp ứng được mục tiêu ban hành của chính sách thuế là nhằm điều tiết hợp lý thu nhập của một bộ phận tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất có giá trị lớn hoặc có nhiều nhà, đất"- Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính cũng cho rằng việc đánh thuế này là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Bởi tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà, đất ở thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp. Cơ quan này cũng lo ngại người nộp thuế sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên, hoặc thỏa thuận tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của từng thành viên trong gia đình.

Về tác động đến thị trường bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà ở, đất ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê, chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước về phát triển nhà ở. Đặc biệt, đánh thuế đối với nhà cho thuê sẽ làm giảm cả cung - cầu nhà ở cho thuê, có khả năng ảnh hưởng tới người có thu nhập thấp do phần lớn đối tượng thuê nhà là người có thu nhập thấp.

Trước đề xuất mới dây của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết việc áp thuế bất động sản chỉ xem xét sử dụng khi có những hành vi ảnh hưởng thiếu tích cực đến thị trường, còn người mua nhà thứ 2, thứ 3 hoặc sử dụng đúng mục đích tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì nên được khuyến khích, tạo điều kiện

"Ví dụ tôi mua bất động sản cho con tôi và bất động sản có giá trị phù hợp. Trong thời gian chưa sử dụng tôi cho thuê để ở hoặc kinh doanh. Khi đó bất động sản của tôi được cho thuê làm cơ sở y tế, làm nhà trẻ, siêu thị mini tại những khu vực cần phát triển hạ tầng. Đây là những hành vi chính đáng cần được được hỗ trợ vì tạo ra dịch vụ thiết yếu, có lợi cho xã hội", ông Đính khẳng định.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng DHCONS băn khoăn rằng, có một số người đi làm cả đời mới tích góp mua được một căn nhà để dành lại cho con cháu. Mục đích mua bất động sản của họ hoàn toàn trong sáng và thu nhập của họ cũng không dư dả, dù sở hữu căn nhà thứ hai. "Nếu đánh thuế trong trường hợp này, liệu có phải là đang tạo áp lực cho họ?", ông Trần Vũ đặt vấn đề.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lo ngại tình trạng thuế chồng thuế nếu chính sách này áp dụng. Bởi hiện người mua nhà đất phải đóng tiền sử dụng một lần. Nếu đánh thuế nhà, đất hằng năm nhưng vẫn thu tiền sử dụng đất một lần sẽ khiến người dân "thêm gánh nặng", không đủ sức mua nhà. Trong khi, người giàu có thể lách bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân…

Hơn nữa, việc đánh thuế bất động sản có thể đẩy giá nhà, đất tăng lên. Bởi, chi phí thuế sẽ cộng vào giá thành sản phẩm, người mua sau cùng phải chịu khoản này. Khi đó, giấc mơ sở hữu nhà của phần đông người dân sẽ càng khó khăn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng cần xác định mục đích thuế tài sản đánh vào những tài sản không sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả đó hoặc là giảm thiểu đầu tư không đúng đắn, kiểu đầu cơ trục lợi.

"Và đánh thuế tài sản không thể hạ giá bất động sản được. Bởi lẽ, giờ đang là thời điểm giá bất động sản đã tăng cao, nguồn cung lại ít so với nhu cầu. Nếu nguồn cung ít lại đánh thuế tài sản nữa thì người có nhiều bất động sản khi bán ra họ sẽ tính vào giá bán. Cuối cùng người mua nhà phải gánh" - ông Thịnh đánh giá.

"Đánh thuế từ bất động sản thứ hai là một điều cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng. Vì đối với đa số người dân Việt Nam thì ngôi nhà vẫn là một tài sản lớn, thậm chí là gia tài mà cả một đời người mới tích lũy được. Và với không ít gia đình, tích luỹ đủ để mua được ngôi nhà thứ hai cho con cũng là một nỗ lực rất lớn. Do đó, nếu đánh thêm thuế với những người mua thêm nhà với mục đích để dành cho con cái sẽ làm cuộc sống của họ thêm khó khăn. Do vậy, tôi cho rằng, cần cân nhắc tính toán đánh thuế dựa trên diện tích, giá trị ngôi nhà thay vì chỉ dựa trên số lượng".

Theo Nhịp Sống Thị Trường
https://markettimes.vn/danh-thue-can-nha-thu-2-lo-danh-nham-doi-tuong-khong-dam-bao-cong-bang-xa-hoi-65664.html
Copy Link
https://markettimes.vn/danh-thue-can-nha-thu-2-lo-danh-nham-doi-tuong-khong-dam-bao-cong-bang-xa-hoi-65664.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đánh thuế căn nhà thứ 2: Lo đánh nhầm đối tượng, không đảm bảo công bằng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO