PLBĐ - Vụ việc chiếc ô tô đỗ ở đầu ngõ bị một người đàn ông cầm thanh gỗ đập phá không thương tiếc đã thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua. Nhiều người cho rằng, dù với lý do gì thì hành vi hủy hoại tài sản của người khác là phạm pháp.
Công an TP. Thủ Đức (TP. HCM) đã ra quyết định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Huỳnh Phước Thọ (SN 1981, trú ở địa phương) để điều tra về hành vi cố ý làm hư hại tài sản của người khác.
Theo thông tin ban đầu, trưa ngày 31/7, anh Nguyễn Tấn Lộc (quê Bình Dương) điều khiển xe 7 chỗ đến đậu trong hẻm 14, đường 22, phường Linh Đông, TP Thủ Đức rồi đến nhà người quen ăn đám giỗ. Khoảng 15h30, Thọ đi nhậu về thấy xe anh Lộc đậu cạnh cổng nhà mình nên bức xúc. Thọ vào nhà lấy 3 thanh gỗ chạy ra đập phá xe anh Lộc khiến chiếc xe bị hư hỏng kính chắn gió, cần gạt nước, kính chiếu hậu hai bên, vỡ đèn xi nhan, móp méo, trầy xước đuôi sau xe…
Sau khi đập phá, Thọ tiếp tục rời nhà đi nhậu. Đến 16h, anh Lộc ra lấy xe thì phát hiện vụ việc trên nên báo với Công an phường Linh Đông.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, đánh giá thiệt hại, trích xuất camera để xác định người đập phá tài sản, Công an phường Linh Đông đã đưa Thọ về trụ sở làm việc. Tại đây, Thọ thừa nhận hành vi đập phá của mình và cho biết, không mâu thuẫn với anh Lộc. Do chiếc xe anh Lộc đậu trước nhà, thấy chướng mắt nên Thọ mới gây ra vụ việc.
Trước vụ việc trên, có rất nhiều video được đăng tải trên mạng xã hội về việc nhiều chủ xe vô tình hay cố ý đã đỗ xe trước cửa nhà dân, văn phòng làm việc, nơi công cộng… gây bức xúc cho nhiều người gặp phải tình huống này. Hậu quả của các vụ việc này là nhiều chủ xe đã phải nhận những cái kết như: Xe bị sơn bẩn, bị xước sơn và thậm chí là bị đập phá gây hư hỏng nặng…
Theo ANTĐ, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong các trường hợp: Bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe…
Khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m…
Như vậy, đối chiếu quy định trên, chủ xe có quyền dừng, đỗ xe ở trước cửa nhà người khác - nơi không có biển cấm và không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo Luật Giao thông đường bộ. Việc đỗ xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi của chủ nhà mặt tiền, khi nó cản trở việc ra vào đi lại gây ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của họ.
Về việc xử lý đối với hành vi tạt sơn, đập phá ô tô của người khác, trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu ô tô người khác đỗ trước cửa nhà, gây ảnh hưởng đến việc bán hàng hoặc đi lại, việc đầu tiên mà người dân nên làm là liên lạc với chủ xe để trao đổi, nhắc nhở. Nếu chủ xe không tiếp thu, chủ nhà liên hệ với lực lượng chức năng (CSGT, Công an phường, TTGT,…) đến giải quyết vụ việc.
Nếu hành vi đỗ xe của chủ xe không đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xử lý. Tùy phạm vi dừng đỗ xe, chủ xe có thể bị xử phạt hành chính từ 400.000 đồng - 2.000.000 đồng.
Mọi hành vi tạt sơn, đập phá ô tô của người khác, ngay cả khi đậu xe trước cửa nhà mình là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi tạt sơn, đập phá xe ô tô trước cửa nhà nếu mức thiệt hại chưa đến 2.000.000 đồng sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định 144/2021 NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình.
Nếu gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" với mức phạt 5.000.000 đồng. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 10 - 20 năm.
T.H (th)