Máu nhiễm mỡ thường không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi trở thành một trường hợp khẩn cấp.
Máu nhiễm mỡ còn có tên gọi khác là mỡ máu cao hay rối loạn chuyển hóa lipid máu. Thông thường, trong máu luôn có một tỷ lệ mỡ nhất định. Tỷ lệ này được đánh giá bằng các chỉ số xét nghiệm triglycerid, cholesterol...
Khi bị máu nhiễm mỡ những chỉ số này sẽ cao hơn mức cho phép. Trong đó, chỉ số cholesterol cao chính là đặc trưng của tình trạng rối loạn mỡ máu.
Theo chuyên gia y tế, cholesterol là một hợp chất hóa học có vai trò xây dựng màng tế bào và sản xuất các kích thích tố như estrogen và testosterone. Gan sản xuất khoảng 80% cholesterol của cơ thể và phần còn lại đến từ nguồn thực phẩm như thịt, gia cầm, trứng, cá và các sản phẩm từ sữa. Cholesterol không tự di chuyển trong máu. Thay vào đó, nó được gắn bởi lipoprotein (lipo = chất béo) trong máu.
Có 2 loại lipoprotein chính là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). Ngoài ra, mỡ máu còn gồm: Cholesterol toàn phần và triglyceride. Nếu 4 chỉ số này vượt ngưỡng kiểm soát sẽ gây máu nhiễm mỡ.
Máu nhiễm mỡ thường không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi trở thành một trường hợp khẩn cấp. Cách duy nhất để biết mức LDL cholesterol cao hay không là tiến hành xét nghiệm máu. Việc không điều trị cholesterol có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám theo thời gian, gây hại cho tim và tăng nguy cơ bị xơ vữa mạch máu hoặc nhồi máu cơ tim.
Những triệu chứng cảnh báo người mắc bệnh máu nhiễm mỡ như: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp... Bệnh phát triển đến giai đoạn cuối sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm như: huyết áp cao, đau tim, xơ vữa động mạch..
Bệnh sẽ tiến triển một cách âm thầm, đa phần người bệnh được phát hiện khi làm xét nghiệm vì một số bệnh lý khác.
Mỡ máu cao thường xảy ra ở đối tượng trung tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của lối sống thiếu lành mạnh độ tuổi bệnh nhân mắc máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh máu nhiễm mỡ có thể xảy ra do những nguyên nhân chính như: chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, lười vận động, béo phì, tuổi tác, giới tính, di truyền hoặc ảnh hưởng từ bệnh lý khác...
Để phòng ngừa máu nhiễm mỡ, đầu tiên mỗi người cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạn. Tốt nhất nên thực hiện chế độ ăn ít chất béo, ít calo, giàu ngũ cốc nguyên hạt, nhiều chất xơ và các loại hạt.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên; kết hợp kiểm soát căng thẳng bằng thiền định, nghe nhạc thư giãn… Ngoài ra, mỗi người cần tập thói quen tích cực như: Kiểm soát cân nặng, ngừng hút thuốc lá, bỏ rượu bia, tránh ngủ ngày, tức giận, lo lắng, hoạt động quá mức và khám sức khỏe định kỳ.
Nội tạng có chứa nhiều chất béo bão hòa và lượng cholesterol cao gấp nhiều lần so với những thực phẩm khác. Đặc biệt những bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ và các bệnh khác như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch… đều được khuyến cáo không nên sử dụng.
Người bị máu nhiễm mỡ nên kiêng những loại thịt màu đỏ như thịt lợn, thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, đồ ăn nhanh từ thịt có chứa nhiều chất béo và loại cholesterol có hại khiến cho tình trạng bệnh mỡ máu ngày càng nguy hại hơn.
Thay vì những món chiên xào, người bệnh nên chọn thực phẩm được chế biến luộc, hấp, rang không dầu mỡ. Bởi những thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ thì thường có chứa nhiều chất béo. Khi người bệnh hấp thụ nhiều chất béo vào trong cơ thể thì tình trạng mỡ máu cũng ngày càng tăng cao.
Người mắc bệnh máu nhiễm mỡ cần đặc biệt hạn chế những thực phẩm như kem, bơ, bánh ngọt… Đây là những thực phẩm chứa nhiều đường, gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.