Chuyên gia cho biết nếu bạn bị rụng tóc, đây có thể là một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy mức cholesterol cao.
Cholesterol cao đồng nghĩa bạn có quá nhiều chất béo được gọi là cholesterol trong máu. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể trở nên nguy hiểm vì nó làm tăng nguy cơ mắc các trường hợp cấp cứu y tế như đau tim và đột quỵ. Nguyên nhân do cholesterol có thể hình thành các mảng bám, khiến động mạch bị thu hẹp và máu khó lưu thông. Mảng bám cũng có thể vỡ ra, tạo thành cục máu đông.
Những người có cholesterol cao thường không biết về tình trạng của mình vì trên thực tế, nó hầu như không biểu hiện triệu chứng cụ thể. Cách duy nhất để biết chắc chắn là đi xét nghiệm. Tuy nhiên, đôi khi cholesterol cao có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định, và một trong số đó là rụng tóc.
Zayn Majeed, bác sĩ phẫu thuật tại Phòng khám Tóc Harley Street, giải thích: "Cholesterol là một loại lipid (chất béo) cần thiết cho sự sống. Nó là thành phần cấu trúc quan trọng của tế bào, có chức năng như tiền thân trong quá trình tổng hợp một số hormone như estrogen, testosterone và cortisol, đồng thời rất quan trọng trong việc sản xuất vitamin D. Bên cạnh những chức năng này, cholesterol cũng rất quan trọng trong chu kỳ của tóc vì nó điều chỉnh các đường truyền tín hiệu".
Theo Majeed, nhiều nghiên cứu cho thấy mức cholesterol cao, đặc biệt là lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay "cholesterol xấu", có thể làm tăng nguy cơ tim mạch. Điều này là do nó có thể dẫn đến các chất béo tích tụ được gọi là mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nhưng mức cholesterol tăng cao cũng có thể liên quan đến rụng tóc.
"Nếu bạn đang bị rụng tóc, đó có thể là một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy bạn có mức cholesterol cao", chuyên gia nhận định.
Majeed nói các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc chứng rối loạn lipid máu (mức độ không lành mạnh của một hoặc nhiều loại lipid) cao hơn ở phụ nữ và nam giới mắc chứng rụng tóc nội tiết tố nam.
Nếu phát hiện mức cholesterol đang cao, bạn có thể thực hiện những thay đổi trong lối sống. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống như tiêu thụ chất béo lành mạnh hơn như chất béo có trong dầu ô liu và các loại hạt, hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đồng thời ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, axit béo omega-3 và sterol thực vật.
Tiến sĩ Majeed cho biết: "Ngoài ra, những thay đổi lối sống khác cũng có thể hữu ích như tăng cường tập thể dục, cắt giảm rượu và ngừng hút thuốc. Thuốc cũng có thể được sử dụng cùng việc thay đổi lối sống để giảm cholesterol xuống mức khỏe mạnh".
Hướng Dương (Theo Express)