Đột quỵ thường khởi phát đột ngột, nhưng các dấu hiệu trước khi đột quỵ có thể khởi phát từ sớm nên bạn tuyệt đối không được bỏ qua chúng.
Theo TS.BS Lê Văn Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đột quỵ là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Nhận biết sớm dấu hiệu trước khi đột quỵ sẽ giúp tăng hiệu quả cứu sống người bệnh.
Đột quỵ có thể nhận biết từ sớm?
Đột quỵ thường khởi phát đột ngột, nhưng các dấu hiệu trước khi đột quỵ có thể khởi phát từ sớm. Thực tế, khoảng 43% người bệnh khởi phát cơn đột quỵ nhỏ (cơn thiếu máu não thoáng qua) trước khi bị đột quỵ nghiêm trọng một tuần.
Các dấu hiệu nghi ngờ cơn thiếu máu thoáng qua như đau đầu, tê bì, ngứa râm ran, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để được thăm khám và dự phòng bệnh kịp thời. Đây là cơ hội giúp ngăn chặn khởi phát đột quỵ nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người bệnh.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cũng có thể xảy ra trước cơn đột quỵ không lâu. Chúng thường biểu hiện trước khi bị đột quỵ có thể được nhận biết từ sớm thông qua quy tắc FAST, cụ thể như sau:
F (face: gương mặt): Gương mặt có hiện tượng yếu liệt, mất cân đối, chảy xệ, cười lệch một bên mặt.
A (arm: tay): Gặp khó khăn trong việc cử động tay (bao gồm cả chân) hoặc yếu liệt một bên của cơ thể là triệu chứng trước khi bị đột quỵ phổ biến. Người xung quanh có thể kiểm chứng bằng cách yêu cầu người bệnh giơ cùng lúc hai cánh tay. Nếu người bệnh gặp khó khăn khi nâng hai tay qua đầu cùng lúc thì có thể đang có nguy cơ cao khởi phát đột quỵ trong thời gian gần.
S (speech: giọng nói): Đột ngột thay đổi giọng nói hoặc nói dính chữ, nói ngọng có thể là dấu hiệu trước khi đột quỵ. Người thân có thể yêu cầu người bệnh nói câu nói đơn giản, quen thuộc để kiểm chứng hiện tượng này.
T (time: thời gian): Cuối cùng, khi một người xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thì cần được đưa đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Người bệnh đột quỵ cần được điều trị bằng các phương pháp phù hợp để hạn chế tổn thương, tăng khả năng hồi phục sức khỏe tối ưu.
Những dấu hiệu trước khi bị đột quỵ khác có thể xảy ra mà mỗi người cần quan tâm để sớm có biện pháp xử trí bao gồm: Đau đầu dữ dội, đột ngột, chóng mặt, mất thăng bằng và giảm khả năng phối hợp, thay đổi hoặc suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt, suy giảm nhận thức, gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin cơ bản.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ gồm: Tiền sử bị đột quỵ trong gia đình, bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ khởi phát đột quỵ như thiếu máu cục bộ thoáng qua, tiểu đường, bệnh tim mạch, đau nửa đầu, chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh động mạch ngoại vi, tăng huyết áp.
Người thừa cân hoặc béo phì, uống thuốc tránh thai dài hạn, sử dụng hormone bổ sung sau thời kỳ mãn kinh, lười vận động, lạm dụng bia, rượu, chất kích thích, thuốc lá cũng là nhóm có nguy cơ bị đột quỵ rất cao.
Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ
Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người nên chủ động phòng tránh ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu trước khi đột quỵ, bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học ưu tiên tiêu thụ chất xơ, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất, đồng thời hạn chế dầu mỡ, chất kích thích, đường, muối sẽ góp phần giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ vậy, cơ thể đủ khả năng chống lại các tác nhân khởi phát bệnh lý, trong đó có đột quỵ.
Mọi người cần thường xuyên tập thể dục mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường trao đổi chất, cải thiện tuần hoàn máu, kiểm soát chỉ số huyết áp, giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch từ đó góp phần hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến. Vì vậy, để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ mỗi người cần kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp bằng cách tập thể dục, ăn uống cân đối, theo dõi cân nặng thường xuyên.
Người mắc bệnh lý như béo phì, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị từ bác sĩ để hạn chế nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Căng thẳng, stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ khởi phát đột quỵ. Vì vậy, để phòng tránh đột quỵ, mỗi người nên có biện pháp giảm căng thẳng, như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ định kỳ là cơ hội giúp phát hiện và điều trị sớm các yếu tố gây bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, trong đó có đột quỵ. Thông qua quá trình tầm soát đột quỵ, bác sĩ sẽ đánh giá được các yếu tố nguy cơ và tư vấn biện pháp phòng tránh đột quỵ phù hợp cho từng cá nhân.