Đau họng là triệu chứng thường gặp, rất nhiều người chủ quan dẫn đến bệnh tái phát liên tục. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác.
Đau họng là trạng thái cổ họng đau rát, đau âm ỉ hoặc đau khi nuốt. Đau họng không phải là bệnh lý mà là triệu chứng chung khi đường hô hấp trên bị viêm nhiễm, do trào ngược dạ dày thực quản hoặc do các bệnh lý khác.
Một số kiểu đau họng thường thấy như:
Có nhiều nguyên nhân khiến họng bị đau và viêm họng, cụ thể:
- Do dị ứng
Dị ứng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên đau họng. Nhiều trường hợp bị dị ứng gây đau họng lý do là tiếp xúc với tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hạt bụi, nấm mốc, hoặc các chất hóa học khiến niêm mạc họng bị viêm, gây ra đau họng và cảm giác sưng họng.
- Do thời tiết
Nếu thời tiết hanh khô như hiện nay sẽ khiến niêm mạc họng bị khô, từ đó dễ bị tổn thương và viêm nhiễm, dẫn đến đau họng.
- Do tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất
Nếu tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất trong không khí có thể gây kích thích niêm mạc họng, dẫn đến viêm nhiễm niêm mạc, làm họng trở nên đỏ và đau đớn. Ngoài ra, các tác nhân này còn gây tái phát hoặc gia tăng tình trạng đau họng, ho và khó thở. Tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất kéo dài sẽ gây nên viêm họng mạn tính, bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn (COPD) và cả ung thư vòm họng.
- Do cảm lạnh, cảm cúm
Nếu mắc các bệnh cảm lạnh, cảm cúm có thể gây đau họng. Bởi khi bị cảm lạnh hoặc cúm, các virus ở trong khu vực đường hô hấp trên sẽ khiến họng bị sưng viêm, gây đau kèm theo viêm amidan, ho, sốt, sổ mũi. Ngoài ra, virus có thể lây lan thông qua dịch nhầy mũi, nước bọt của người bệnh có trong không khí. Đặc biệt khi thời tiết giao mùa, nóng – lạnh đột ngột kèm độ ẩm cao sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm virus cúm.
Những đối tượng dễ bị đau rát họng do cảm lạnh hoặc cúm bao gồm trẻ em, người già (đặc biệt người có bệnh nền), người có đề kháng yếu hoặc suy giảm miễn dịch.
Khi bị đau họng do cảm cúm, người bệnh cần súc miệng – họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn, uống thuốc điều trị hạ sốt – giảm đau. Đồng thời, cần nghỉ ngơi đầy đủ, tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ và bổ sung vitamin.
- Do liên cầu khuẩn nhóm A
Liên cầu khuẩn nhóm A (tên khoa học là vi khuẩn Streptococcus) là loại vi khuẩn gây nên triệu chứng đau họng khi tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy mũi họng của người bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn Streptococcus cũng gây nên một số bệnh lý về da, nó có thể lây lan thông qua các vết thương hở, dịch mủ vết loét trên da nhiễm trùng.
Đau họng do liên cầu khuẩn là bệnh lý phổ biến thường gặp, nhất là ở trẻ em. Người bệnh thường sốt cao trên 40 độ, họng đau rát khi nuốt, nổi hạch ở cổ trước, da phát ban đỏ, sưng mủ trắng ở niêm mạc miệng… Khi bị đau họng do liên cầu khuẩn, bạn cần tăng cường sát khuẩn họng bằng nước muối sinh lý, khí dung mũi họng và đi thăm khám bác sĩ.
- Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây đau họng. Đây là tình trạng mà dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản (ống nối dạ dày và miệng). Thường xuyên bị trào ngược có thể gây ra những triệu chứng và vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, trong đó có đau họng. Khi acid trong dịch vị thường xuyên bị đẩy lên thực quản khiến niêm mạc họng bị yếu đi, từ đó dẫn tới viêm nhiễm gây sưng đau, gây cảm giác họng bị đầy, ho khan.
- Do bệnh viêm họng hạt
Bệnh viêm họng hạt là tình trạng họng viêm nhiễm kéo dài, khiến các mô lympho ở thành sau của họng phải làm việc quá tải trong thời gian dài và phình to. Các hạt phình to này có kích thước bằng đầu ghim trở lên. Viêm họng hạt thường gặp ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc phải. Viêm họng hạt có thể gây ra khó khăn khi nuốt, viêm xoang, ho… và những biến chứng khác.
- Do khối u ở họng
Nếu mắc khối u ở họng sẽ gây đau đớn. Các khối u ở họng và các khu vực xung quanh ví dụ như tuyến giáp có thể gây ra đau họng và các triệu chứng khác liên quan đến họng hoặc đường tiêu hóa. Triệu chứng và tình trạng cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại khối u, kích thước, vị trí, mức độ ảnh hưởng đến các cơ, mô và hệ thống xung quanh.
Tóm lại: Đau họng là vấn đề thường gặp, khi có các biểu hiện trên cần chú trọng đến vệ sinh răng miệng, súc miệng nước muối ấm… sẽ giúp tình trạng này giảm đau và nhanh chóng hồi phục. Khi bị đau họng, người bệnh nên lựa chọn thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt sẽ được ưu tiên hơn cả. Thức ăn mềm sẽ không làm tổn thương phần niêm mạc họng vốn đang mỏng và nhạy cảm, cũng như giúp người bệnh nuốt được mà không cảm thấy quá khó chịu.
Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là vitamin C có trong hoa quả như bưởi, cam, vitamin B1… Nếu tình trạng không đỡ hay đau họng kéo dài trên 3 ngày cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.