Đau nửa đầu: Nguyên nhân và cách điều trị

Mai Nguyên 19/09/2022 21:26

PLBĐ - Các nghiên cứu cho thấy có sự giãn nở các mạch máu não và phóng thích các chất hóa học như serotonin, dopamin, gây rối loạn chức năng não dẫn đến cơn đau đầu dữ dội.

Theo DS. Nguyễn Thị Trang, đau nửa đầu xuất phát từ tiếng Hy Lạp là hemicrania, có nghĩa là "cơn đau ở một bên đầu". Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp đau nửa đầu ở vị trí thứ 19 trong số các bệnh gây tàn tật trên toàn thế giới.

Đau nửa đầu là một chứng rối loạn phức tạp có ảnh hưởng di truyền, đặc trưng bởi các cơn đau đầu từ vừa đến nặng, thường là một bên và đi kèm với buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Đau nửa đầu có thể nghiêm trọng đến mức gây ra cơn đau và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người bị ảnh hưởng. Có thể xảy ra thường xuyên hoặc vài lần mỗi tháng với tần suất khác nhau ở mỗi người.

Phụ nữ có nguy cơ bị đau nửa đầu cao gấp 3 lần nam giới. Xu hướng mắc chứng đau nửa đầu thường là do di truyền.

Đau nửa đầu: Nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Internet).

Nguyên nhân và triệu chứng

Theo BS. Lê Anh Tiến, đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh đau nửa đầu vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có sự giãn nở các mạch máu não và phóng thích các chất hóa học như serotonin, dopamin, gây rối loạn chức năng não dẫn đến cơn đau đầu dữ dội.

Mặc dù đây là bệnh tự phát, nhưng ở một số người, có một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn Migraine như: Căng thẳng tinh thần, mất ngủ; thay đổi nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ trong máu (thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc dùng thuốc ngừa thai...); thay đổi thời tiết; ánh sáng chói nhấp nháy; tiếng ồn; chấn thương đầu; khói thuốc lá; nước hoa đậm đặc; mùi hôi nồng nặc khó chịu; chocolate, phô mai, thức ăn đóng hộp, bột ngọt, đường hóa học, rượu…

Đây là bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Các khảo sát trong cộng đồng trên thế giới cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh chiếm khoảng 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới. Hơn 75% người bị bệnh đau nửa đầu thì trong gia đình họ cũng sẽ có người bị bệnh. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên. Độ tuổi thường gặp là từ 20 đến 50 tuổi. Hiếm khi bắt đầu sau 60 tuổi.

Đau nửa đầu thường giật từng cơn theo nhịp mạch có cường độ trung bình hoặc nặng. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia. Cơn đau thay đổi cường độ từ nhẹ (đau thoáng qua) đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày.

Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: Hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, nói khó, tê buốt da đầu. Người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau nặng lên khi người bệnh gắng sức: Di chuyển, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế đầu…

Sau cơn đau đầu người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ.

Đau nửa đầu: Nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Internet).

Thuốc gì điều trị

Theo DS. Nguyễn Thị Trang, để điều trị đau nửa đầu cần lựa chọn điều trị dựa trên các tình huống khởi phát cấp tính hoặc mạn tính.

Điều trị cấp tính nhằm mục đích ngăn chặn sự tiến triển của cơn đau đầu, bao gồm các lựa chọn phân tầng:

NSAID (thuốc chống viêm không steroid): Ibuprofen, naproxen, diclofenac, aspirin hoặc acetaminophen. Thông thường trong các cơn nhẹ đến trung bình mà không có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

Triptan: Sumatriptan, eletriptan, rizatriptan, almotriptan. Có hoặc không có naproxen đối với các cơn đau từ trung bình đến nặng. Triptan nên được giới hạn dưới 10 ngày sử dụng trong vòng một tháng để tránh lạm dụng thuốc.

Khuyến cáo không sử dụng thuốc ở bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, đau thắt ngực, mang thai. Ở những bệnh nhân này, với các nguy cơ tim mạch, thuốc thích hợp nhất là thuốc chủ vận thụ thể serotonin 1F chọn lọc không gây co mạch lasmiditan.

Khuyến cáo theo dõi điều trị nếu bệnh nhân dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin-noradrenaline vì nguy cơ mắc hội chứng serotonin.

Thuốc chống nôn: Metoclopramide, chlorpromazine, prochlorperazine được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ với NSAID hoặc triptan để giảm buồn nôn và nôn, đặc biệt là trong cấp cứu.

Dexamethasone có thể làm giảm sự tái phát của những cơn đau đầu ở giai đoạn đầu, nhưng không giúp giảm đau đầu ngay lập tức.

Điều trị dự phòng nhằm mục đích giảm tần suất và cải thiện khả năng đáp ứng với mức độ nghiêm trọng và thời gian của cơn đau cấp, đồng thời giảm thiểu tàn tật.

Các thuốc điều trị dự phòng, bao gồm:

Thuốc chẹn beta: Metoprolol và propranolol.

Thuốc chống trầm cảm: Amitriptyline và venlafaxine.

Thuốc chống co giật: Axit valproate và topiramate.

Thuốc chẹn kênh canxi: Verapamil và flunarizine.

Thuốc đối kháng peptit liên quan đến gen calcitonin: Eerenumab, fremanezumab và galcanezumab.

Các thuốc này cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng sẽ rất nguy hiểm. Một đợt điều trị thuốc dự phòng thường kéo dài từ 3-6 tháng. Khi sử dụng các thuốc này người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như hạ huyết áp, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, ác mộng, ít ngủ... Nếu có bất cứ dấu hiệu nào khác thường khi dùng thuốc người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn cách sử dụng thuốc tiếp theo.

Ngoài ra,Để hạn chế cơn đau, cần thực hiện: Thay đổi lối sống; Tập thể dục thường xuyên, yoga; Kiểm soát các yếu tố kích hoạt cơn đau đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đau nửa đầu: Nguyên nhân và cách điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO